Hướng tới một hiệp định hoàn chỉnh

14:19 - Thứ Hai, 20/11/2017 Lượt xem: 5431 In bài viết
Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi vừa lên tiếng kêu gọi các nền kinh tế tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cần nhanh chóng đi đến ký kết thỏa thuận.

Về cơ bản, CPTPP (còn gọi là TPP 11) vẫn giữ các điều khoản trong TPP 12, nhưng cho phép các nước có quyền rút khỏi một số vấn đề, đồng thời bổ sung 2 phụ lục mới. Phụ lục thứ nhất về Danh mục 20 nghĩa vụ tạm hoãn thực thi của TPP và 4 nội dung cần đàm phán lại như đầu tư và cấp phép đầu tư; giải quyết tranh chấp viễn thông; điều kiện tham dự thầu; đối tượng được cấp bằng độc quyền sáng chế… Phụ lục thứ 2 đề cập tới 7 điều khoản mới liên quan đến hiệp định. Ngoài thương mại, CPTPP cũng bao gồm các thỏa thuận về đầu tư, sở hữu trí tuệ.

 

Các nước tham gia CPTPP đang nỗ lực đưa Hiệp định vào thực thi.

Theo Bộ trưởng Motegi, việc nhiều nước tổ chức bầu cử vào năm 2018 (như Malaysia và Mexico) sẽ dẫn đến những biến động khó lường. Do đó, Tokyo mong muốn các quốc gia ký thỏa thuận trước thời điểm diễn ra bầu cử. Theo giới phân tích, lo ngại của Bộ trưởng Motegi là có cơ sở, bởi những gì đã xảy ra với Mỹ là ví dụ điển hình. Trước đây, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ luôn ủng hộ TPP, tuy nhiên khi đương kim Tổng thống Donald Trump nắm quyền, Washington lập tức rút khỏi hiệp định này.

Việc Nhật Bản hối thúc các quốc gia sớm ký kết CPTPP còn xuất phát từ kỳ vọng Hiệp định này sẽ tạo làn gió mới cho kinh tế đất nước mặt trời mọc, thông qua việc tăng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2015, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo TPP có thể giúp kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng trưởng 23,2% vào năm 2030. Vì thế, CPTPP chắc chắn khơi lại tham vọng trở thành "cường quốc xuất khẩu" của Nhật Bản. Bên cạnh sản phẩm công nghiệp, Tokyo đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu thực phẩm 1.000 tỷ yên vào năm 2019, khi mà thời điểm CPTPP chính thức có hiệu lực. 

Suốt 20 năm qua, nền kinh tế Nhật Bản gần như không phát triển. Tình trạng dân số già đã cản trở tăng trưởng và để lại món nợ khổng lồ dùng để trang trải cho các dịch vụ xã hội. Tiêu dùng trong nước giảm khiến kinh tế Nhật Bản phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là hàng hóa xuất sang các thị trường nhỏ hơn đang phát triển tại Châu Á, mà hầu hết quốc gia này tham gia TPP. Chính vì lý do đó, CPTPP có tầm quan trọng đặc biệt với Nhật Bản. 

Dù cơ hội đưa Mỹ trở lại Hiệp định là rất thấp, nhưng Tokyo vẫn theo đuổi mục tiêu này. Việc Mỹ rút khỏi TPP gây cho Nhật Bản không ít trở ngại trong quá trình thúc đẩy xuất khẩu sang các quốc gia Châu Á. Động thái này cũng làm giảm đáng kể sức mạnh kinh tế của hiệp định khi đang từ 12 quốc gia, chiếm 40% GDP toàn cầu, 30% thương mại toàn cầu và 800 triệu dân xuống chỉ còn 11 quốc gia, chiếm 15% GDP toàn cầu, 15% thương mại toàn cầu và 500 triệu dân. 

Do đó, không riêng gì Nhật Bản, nhiều nước khác cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại vòng đàm phán. Thậm chí, 11 nước tham gia CPTPP hiện nay đã nhất trí đóng băng 20 điều khoản trong Hiệp định TPP ban đầu (theo Phụ lục 1). Hầu hết các điều khoản này có lợi cho Mỹ và sẵn sàng chờ đón Mỹ quay lại bàn đàm phán.

Các nhà phân tích cho rằng, hầu hết các quốc gia tham gia TPP trước đây đều thể hiện mong muốn đưa CPTPP vào thực thi, dù vẫn còn những trăn trở về sự hiện diện của Mỹ. Tuy nhiên, việc thúc đẩy tiến trình này cũng cần tính tới một số rào cản, điển hình như việc xem xét lại định nghĩa về miễn trừ hàng hóa và các dịch vụ văn hóa, các chi tiết liên quan đến các công ty nhà nước, các biện pháp trừng phạt thương mại... Có như thế Hiệp định CPTPP mới thực sự hoàn chỉnh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top