Trở ngại mới cho hòa bình Trung Đông

14:50 - Thứ Hai, 27/11/2017 Lượt xem: 6849 In bài viết
Rạn nứt mới trong mối quan hệ song phương đã xuất hiện khi Palestine cảnh báo "đóng băng" quan hệ với Mỹ nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump ngừng hoạt động của Văn phòng đại diện Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đặt tại thủ đô Washington. Động thái này cũng khiến những nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột khó giải quyết nhất thế giới kể từ Thế chiến thứ hai giữa Israel và Palestine có nguy cơ trở về vạch xuất phát.

Căng thẳng bắt đầu từ ngày 18-11 khi Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập tới khả năng không gia hạn giấy phép hoạt động của Văn phòng đại diện PLO tại Washington. Theo quy định của Mỹ, PLO phải gia hạn giấy phép 6 tháng một lần để duy trì hoạt động. Đáp lại, ngày 21-11, chính quyền Palestine tuyên bố "đóng băng" tất cả các cuộc gặp với Mỹ nhằm phản đối đề cập trên. Tuy nhiên, vài ngày sau, Mỹ lại tuyên bố chỉ đơn thuần áp đặt các giới hạn và chúng sẽ được dỡ bỏ sau 90 ngày nếu nhận thấy Palestine đang tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với Israel một cách thực chất.

 

Văn phòng PLO tại Washington.

PLO là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine được quốc tế công nhận. Việc PLO duy trì hiện diện ở Washington kể từ năm 1994 đã tạo điều kiện cho Palestine có mối quan hệ với Chính phủ Mỹ. Yêu cầu đóng cửa Văn phòng PLO xuất phát từ một điều khoản gây tranh cãi trong luật pháp Mỹ, quy định nước này không cho phép người Palestine có văn phòng tại Washington nếu họ yêu cầu Tòa án quốc tế điều tra hoặc truy tố các công dân Israel với cáo buộc chống lại người Palestine. 

Theo giới phân tích, nguyên nhân Mỹ "gợi ý" đưa ra quyết định này bởi thời gian qua Palestine đã đạt nhiều thắng lợi ngoại giao trong việc gia nhập các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Điều này mở đường cho các biện pháp pháp lý của Palestine chống lại các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Israel đối với người Palestine, tạo áp lực buộc Tel Aviv rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng và chấp nhận xác lập quan hệ láng giềng với Palestine.

Theo Công ước Geneva thứ tư về nhân quyền thời chiến tranh, các lực lượng từ cả hai bên phải giữ nguyên hiện trạng và cấm di chuyển dân vào phần lãnh thổ chiếm đóng. Mọi quốc gia thành viên Liên hợp quốc, ngoại trừ Israel, đều khẳng định, công ước này áp dụng cho các vùng lãnh thổ mà Israel đã chiếm của Palestine kể từ năm 1967. 

Dù vậy, trong 50 năm qua, Tel Aviv đã xây dựng các khu định cư cho hơn 650.000 người ở Bờ Tây, bên trong và xung quanh Đông Jerusalem nhằm cố tình thay đổi các đặc điểm nhân khẩu học của vùng này. Israel cũng xây dựng một bức tường ở Bờ Tây cách ly, đàn áp và trục xuất người Palestine khỏi đất đai của họ. Theo quy định, sau khi trở thành thành viên ICC, Palestine có thể kiện lên tòa án này để truy tố các quan chức Israel về những tội ác gây ra cho người Palestine.

Mới đây, Tổng thống Mỹ D.Trump khẳng định sẽ đưa ra một kế hoạch mới vượt xa mọi sáng kiến trước đây để chấm dứt xung đột Palestine - Israel. Tuy nhiên, đến thời điểm này mọi bế tắc vẫn chưa có dấu hiệu được khai thông. Trong khi Israel liên tục đề nghị lên Quốc hội Mỹ về việc Palestine vi phạm các thỏa thuận chung với mong muốn Đồi Capital áp đặt các lệnh trừng phạt Palestine, thì chính quyền của Tổng thống Mahmoud Abbas chỉ có cách đưa vụ việc lên Liên hợp quốc và cuối cùng chịu sự phủ quyết của Mỹ đối với tất cả các nghị quyết chống lại Israel. Đặc biệt, sau sức ép mới nhất của Washington đối với Văn phòng đại diện PLO, tương lai của sáng kiến này càng trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.

Triển vọng hòa bình Trung Đông chỉ có thể thành công khi các bên có thiện chí, tránh tạo thêm căng thẳng mới. Con đường duy nhất là thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, trao cho người Palestine quyền được thành lập một đất nước độc lập và bình đẳng như tất cả các quốc gia khác trên thế giới.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top