Không nhiều điểm sáng

11:11 - Thứ Tư, 27/12/2017 Lượt xem: 6512 In bài viết
Một động thái được cho là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tổng thể ảm đạm của Châu Âu năm 2017. Đó là, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra một báo cáo cho rằng, Cựu lục địa không còn là “con bệnh” của nền kinh tế thế giới.

Theo các chuyên gia của IMF, Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang có mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua với mức lạm phát thấp. Mặc dù chưa thể bù đắp hết những mất mát do tàn dư của cuộc khủng hoảng nợ, song sự phục hồi ít nhất cũng mang đến niềm hy vọng rằng những tổn thương trong hệ thống tài chính sẽ bắt đầu lành lại. Thế nhưng, tốc độ tăng năng suất vẫn còn thua xa mức được ghi nhận vào đầu thiên niên kỷ và tỷ lệ những người trẻ không thể tìm được việc làm tăng mạnh vẫn đang là một vấn đề khiến các nhà lãnh đạo châu lục phải đau đầu.

Nhìn lại năm 2017, chính trường Châu Âu đã trải qua những biến đổi lớn do nhiều nguyên nhân, trong đó rõ nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cực hữu thông qua các cuộc bầu cử ở cả cấp quốc gia và khu vực. Từ kết quả của các cuộc bầu cử cho tới phong trào đòi độc lập ở một số nơi như Catalonia (Tây Ban Nha) hay Scotland, xử lý các vấn đề liên quan việc nước Anh tách khỏi Liên minh Châu Âu (EU), có thể thấy quan điểm của các cử tri tại nhiều nước đang thay đổi mạnh. Lý do chủ yếu khiến chủ nghĩa dân túy có thể mạnh lên ở Châu Âu là vì nền kinh tế châu lục trải qua thời gian khủng hoảng quá dài. Mặc dù tăng trưởng đã quay trở lại, nhưng cấu trúc liên kết tài chính vẫn chưa hoàn thiện và có quá ít thỏa thuận rõ rệt về việc làm thế nào để cải thiện tình hình. Bên cạnh đó, vấn đề nhập cư bất hợp pháp cũng là một mối lo chưa lắng dịu. Số người di cư vào EU từ khu vực Trung Đông và Châu Phi thực tế đã giảm mạnh trong thời gian gần đây nhờ thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, những rạn nứt ngày càng khoét sâu giữa Lục địa già và Ankara trong năm 2017 đang đẩy thỏa thuận về việc phối hợp hạn chế người di cư vào thế vô cùng mong manh. 

Trong khi đó, những đảng truyền thống tại các nước EU đã bộc lộ nhiều điểm yếu khi xử lý các vấn đề của khối. Điều này tạo điều kiện cho các đảng phái cực hữu từng bước giành vị thế trên chính trường và dần mở rộng tầm ảnh hưởng để trở thành lực lượng chính trị quan trọng tại một số quốc gia. Đây sẽ là thách thức mà lãnh đạo EU phải đối mặt giải quyết trong thời gian tới. Nếu không “tấm gương” Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, có thể được nhân rộng.

Theo nhà phân tích chính trị và ngoại giao kỳ cựu người Thụy Điển Carl Bildt, bất kể những tín hiệu khả quan ở khu vực, quản trị quốc gia đang trở nên phức tạp hơn ở nhiều nước EU. Đơn cử, ở Đức, việc thành lập Chính phủ vẫn chưa thể thực hiện sau cuộc bầu cử liên bang. Quốc gia này vẫn đang nằm dưới sự điều hành của một chính phủ tạm quyền cho tới tháng 3 năm sau. 

Năm 2018 sẽ là năm bản lề để EU theo đuổi kế hoạch cải cách ở cấp liên minh, trước khi khu vực bước sang giai đoạn mới mang tính quyết định trong bối cảnh tháng 3-2019, Anh sẽ chính thức rời khỏi khối bất kể hai bên có đạt thỏa thuận Brexit hay không. Tiếp đó, tháng 5-2019 sẽ diễn ra các cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu và các nhà lãnh đạo mới sẽ được chỉ định vào các tổ chức then chốt của EU. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Lục địa già không có nhiều thời gian để theo đuổi những sáng kiến mới về cải cách và hiện thực hóa chúng trước năm 2019.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top