Giai đoạn khó khăn trong quan hệ Anh – EU

09:29 - Thứ Tư, 31/01/2018 Lượt xem: 6360 In bài viết
Chưa kịp "thở phào" với bản dự thảo thỏa thuận về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, lãnh đạo 2 bên lại đứng trước những bế tắc mới xung quanh điều khoản trong khuôn khổ đàm phán giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit.

Trong một bước đi mới nhất, EU vừa thông qua phương hướng đàm phán về giai đoạn này, được xác định từ ngày 30-3-2019 đến 31-1-2020. Theo đó, Anh vẫn phải tuân thủ nghĩa vụ như một nước thành viên EU nhưng không có quyền quyết định trong đời sống chính trị của EU. Cụ thể hơn, London sẽ không còn đại diện tại các thể chế Châu Âu nên không có quyền bỏ phiếu. Phía Anh cũng không được tham dự vào hầu hết các cuộc họp của EU, ngay cả những cuộc họp có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nước Anh, đơn cử như việc quyết định về hạn ngạch đánh bắt hải sản. Cùng với đó, nước Anh phải tuân thủ các phán quyết của Tòa công lý Châu Âu và đóng góp cho ngân sách chung EU.

 

Ảnh minh hoạ.

Các nhà đàm phán phía Anh dự kiến sẽ bước vào các cuộc gặp mặt tuần tới với lập trường khác biệt trong các vấn đề tự do đi lại và việc nước này sẽ phải tuân thủ mọi quy định mới của EU trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhiều khả năng Thủ tướng Theresa May sẽ không chấp nhận việc tự do đi lại hoàn toàn trong giai đoạn này. Thay vào đó, bà sẽ yêu cầu EU chấp nhận đề xuất của Anh về chương trình đăng ký nhân thân cho công dân EU đến Anh, mà không kèm theo bảo đảm họ sẽ được phép ở lại.

Bên cạnh đó, tranh cãi sẽ bùng phát xung quanh thời gian chuyển tiếp. Trong khi London yêu cầu giai đoạn chuyển đổi trong khoảng 2 năm, song với lý do tránh những rắc rối về tài chính, các nước EU đã yêu cầu giai đoạn này chỉ kéo dài 1 năm 9 tháng và phải kết thúc vào ngày 31-12-2020. Đây cũng là thời điểm kết thúc của giai đoạn ngân sách EU, vốn được xác định cho thời gian 7 năm. Việc tạo hiệu lực pháp lý cho Brexit theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon cũng dẫn tới nhiều bất đồng. Hai bên sẽ phải đối mặt với những vấn đề còn tồn tại như việc cụ thể hóa thỏa thuận nhằm tránh hình thành biên giới “cứng” giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, vấn đề rời thị trường chung Châu Âu và liên minh thuế quan... 

Theo các nhà phân tích, sau những nhượng bộ tại bản dự thảo thỏa thuận về Brexit, Thủ tướng T.May khó có thể đưa ra thêm động thái tương tự tại vòng đàm phán mới này. Ông David Davis, Bộ trưởng Brexit của Anh cho rằng, quan hệ Anh - EU về cơ bản sẽ không thay đổi sau Brexit. Song, bà T.May vẫn chịu sức ép ngày càng tăng từ phía những người ủng hộ Brexit trong việc phải giành được một số nhượng bộ của EU. Thủ tướng T.May cũng đang đối mặt với sự phản đối của khoảng 60 nghị sĩ đảng Bảo thủ theo đường lối ủng hộ Brexit liên quan kế hoạch thông qua điều luật cho phép Anh tham gia liên minh hải quan sau Brexit. Các nghị sĩ này lo ngại việc tham gia liên minh hải quan dưới bất kỳ hình thức nào sauBrexit sẽ ngăn cản Anh ký kết thỏa thuận thương mại với các nước khác khi còn bị ràng buộc bởi chính sách thương mại của EU.

Theo báo chí Châu Âu, trong đàm phán Brexit, ngay từ đầu, EU đã áp đặt được “luật chơi” khi đưa ra những chiến thuật đàm phán nhất quán và khôn khéo. Nhiều ý kiến cho rằng, nước Anh sẽ tiếp tục ở thế yếu trong giai đoạn đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, với những áp lực mà Chính phủ Anh đang phải hứng chịu, các cuộc gặp gỡ sắp tới được dự báo sẽ rất khó khăn và căng thẳng. Tiến độ Brexit một lần nữa đứng trước nguy cơ bị đình trệ và phía thiệt hại được cho là sẽ nghiêng về xứ sở Sương mù.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top