Tiềm ẩn những cuộc chạy đua hạt nhân mới

10:48 - Thứ Hai, 05/02/2018 Lượt xem: 6004 In bài viết
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa chính thức công bố Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân (NPR) năm 2018, trong đó nhấn mạnh nước này đang đối mặt với môi trường đe dọa hạt nhân lớn chưa từng có, khi các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đạt được những tiến bộ trong việc phát triển, triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn nguyên tử.

NPR tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm cả Hiệp định START mới với giới hạn Mỹ và Nga không sở hữu quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 hệ thống phóng. Vì vậy, về cơ bản cho thấy, Mỹ không gia tăng kho vũ khí hạt nhân mà sẽ hiện đại hóa, đa dạng hóa loại vũ khí này nhằm tăng khả năng răn đe.

 

Đây là sự thay đổi lớn về chương trình nguyên tử của Mỹ - lâu nay hướng tới xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Theo báo cáo công bố hồi tháng 10-2017 của Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ, chương trình nâng cấp vũ khí hạt nhân giai đoạn năm 2017-2046 theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiêu tốn khoảng 1,2 nghìn tỷ USD. 

Tuy nhiên, Mỹ sẽ không có xu hướng sử dụng các loại bom hạt nhân có sức công phá lớn. Thay vào đó là phát triển các loại vũ khí hạt nhân nhỏ gọn (với sức nổ dưới 20 kiloton) để đối phó với các tình huống khẩn cấp, trong đó có cả các cuộc tấn công phi hạt nhân. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ duy trì hệ thống bộ ba hạt nhân chiến lược, bao gồm các vũ khí hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không, được triển khai rộng rãi hồi thập niên 80 của thế kỷ trước.

Bên cạnh sự thay đổi trong quan điểm, NPR nhấn mạnh mối quan ngại của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga, đồng thời bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn đối với các quốc gia này. Washington thậm chí khẳng định, sẽ "xóa sổ" chính quyền Bình Nhưỡng nếu quốc gia Đông Bắc Á thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ hoặc các đồng minh của mình. Chính quyền Tổng thống D.Trump cũng cho rằng, việc Iran tiếp tục đầu tư cho chương trình hạt nhân sẽ tiềm ẩn nguy cơ trong tương lai.

Trước động thái mới của Mỹ, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng, NPR đã thể hiện rõ quyết tâm của Washington nhằm bảo đảm tính hiệu quả của năng lực phòng thủ, cũng như hỗ trợ các đồng minh, trong đó có Tokyo. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã chỉ trích việc Washington dùng Mátxcơva như cái cớ để tăng chi tiêu quân sự thêm hàng nghìn tỷ USD và tăng cường xây dựng năng lực hạt nhân. Ông Antonov cũng phủ nhận cáo buộc rằng Nga đã vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987, khẳng định Mátxcơva luôn tuân thủ mọi hiệp ước quốc tế và thi hành các văn kiện này một cách “có trách nhiệm và chính xác”.

Với Trung Quốc, NPR nhận định Bắc Kinh đang nâng cấp và mở rộng lực lượng hạt nhân một cách đáng kể. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra thông báo, chỉ trích việc Mỹ gọi Trung Quốc là đối thủ hạt nhân tiềm ẩn. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ từ bỏ “tinh thần Chiến tranh Lạnh” và nghiêm túc xem xét trách nhiệm đối với việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân của chính mình. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, quân đội Trung Quốc hiện sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ năm thế giới, nhưng chỉ với 300 đầu đạn hạt nhân, ít hơn nhiều so với khoảng 7.000 đầu đạn hạt nhân của Mỹ hay Nga.

Nhìn chung, cho dù NPR không thể hiện quan điểm ủng hộ việc mở rộng sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng việc chuyển hướng sang các loại vũ khí nguyên tử cỡ nhỏ vốn dễ dàng triển khai hơn sẽ tạo ra nhiều nguy cơ khó đoán định, có thể gây ra tâm lý bất an cho nhiều quốc gia. Kế hoạch này cũng khiến dư luận lo ngại về những cuộc chạy đua hạt nhân mới với nhiều hình thức phi truyền thống.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top