Tín hiệu tích cực trên bán đảo Triều Tiên

14:44 - Thứ Năm, 01/03/2018 Lượt xem: 7634 In bài viết
Tiếp nối những tín hiệu tích cực về một triển vọng hòa hợp trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã đưa ra tuyên bố khẳng định sẵn sàng đối thoại với Mỹ. Đề xuất này được Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, đồng thời là quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề liên Triều đưa ra trong cuộc gặp kéo dài 1 giờ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Đề xuất của Bình Nhưỡng đã nhận được sự đánh giá tích cực từ Hàn Quốc. Ông chủ Nhà Xanh cho rằng, cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ cần sớm diễn ra để giúp cải thiện quan hệ song phương đồng thời mở ra giải pháp căn bản cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Đông Bắc Á. Trên thực tế, sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại đối thoại để thảo luận việc Bình Nhưỡng cử vận động viên tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, cơ hội đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên cũng xuất hiện. Trong khi đó, chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un cũng nhất trí rằng, quan hệ liên Triều phải được thúc đẩy song song với mối quan hệ trắc trở Bình Nhưỡng - Washington. 

 

Ông Kim Jong Un.

Với mong muốn hiện thực hóa triển vọng tốt đẹp này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi Mỹ hạ thấp ngưỡng cửa đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump là sẽ chỉ đối thoại với Bình Nhưỡng trên cơ sở “có những điều kiện thích hợp”. 

Nhà Trắng nhấn mạnh, bất kỳ cuộc đàm phán nào đều cần đi tới mục đích phi hạt nhân hóa quốc gia đang bị cô lập này và khẳng định “một con đường tươi sáng hơn” đang mở ra khi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Mỹ nhìn nhận việc Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại là bước đi cần thiết đầu tiên để tiến tới mục tiêu trên. 

Song, trong khi chờ đợi những động thái tích cực tiếp theo, cộng đồng quốc tế cần kiên định những biện pháp đang được áp dụng để chứng minh rằng, các chương trình tên lửa và hạt nhân sẽ mang lại kết cục tồi tệ. 

Vì vậy, bất chấp những diễn biến tích cực trong quan hệ liên Triều, Mỹ vẫn lựa chọn giải pháp siết chặt trừng phạt kinh tế và ngoại giao với Bình Nhưỡng. Gần 60 tàu và công ty vận tải biển, thương mại có liên quan đến Triều Tiên vừa được bổ sung vào danh sách trừng phạt của Mỹ. Tổng thống D.Trump cảnh báo, nếu các biện pháp này không hiệu quả, Washington sẽ tiến đến "giai đoạn hai", song không cho biết chi tiết. 

Trước những căng thẳng trong quan hệ hai nước, đối thoại Mỹ - Triều Tiên luôn được xem là con đường ngắn nhất để hóa giải bất đồng và mang lại sự ổn định cho khu vực. Dẫu rằng đã có nhiều bước đột phá được tạo ra thời gian gần đây, nhưng vẫn còn nhiều rào cản để cả hai bên tiến đến bàn đàm phán. 

Theo cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á Daniel Russel, nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn Triều Tiên được công nhận là một cường quốc hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh và tính hợp pháp chính trị, để có vị thế ngang bằng với Mỹ và các nước khác, buộc các nước phương Tây phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Do đó, ngay cả khi bổ sung các biện pháp trừng phạt, không có gì bảo đảm Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ mục tiêu cốt lõi này. Trong khi đó, Mỹ không muốn nhượng bộ quá nhiều, bởi lo ngại sẽ tạo ra những tiền lệ chưa từng có liên quan đến chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngay cả Hàn Quốc cũng hối thúc Triều Tiên thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa, từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa để hòa bình "có thể bén rễ trên bán đảo".

Do vậy, việc Mỹ và Triều Tiên có thể đối thoại trực tiếp để cùng thảo luận về tương lai vẫn là một hành trình dài phía trước. Điều này đòi hỏi cả hai bên phải có những thỏa hiệp thiện chí và mang tính xây dựng. Thế nhưng, rõ ràng là hàng loạt những chỉ dấu tích cực đang giúp hạ nhiệt bầu không khí nóng bỏng tại Đông Bắc Á, đồng thời tạo ra cơ hội quý giá cho cuộc đối thoại lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên nhằm tránh nguy cơ đưa khu vực trở lại thời kỳ căng thẳng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top