Viễn cảnh về cuộc chiến thương mại

10:53 - Thứ Hai, 05/03/2018 Lượt xem: 6788 In bài viết
Sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu được cho là một bước đi mới trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ lĩnh vực công nghiệp của nhà lãnh đạo nước này. Tuy nhiên, quyết định trên đã lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia và dẫn đến những nhận định rằng, kế hoạch trên sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa xứ Cờ hoa với nhiều đối tác kinh tế.

Lâu nay, các công ty thép và nhôm của Mỹ không ngừng phàn nàn về việc phải đương đầu với các biện pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh của nhiều đối thủ nước ngoài. Những sự cạnh tranh không công bằng như vậy sẽ khiến thị trường thế giới tràn ngập các sản phẩm kim loại, giá cả hạ xuống gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Mỹ. Bằng nhiều cách khác nhau, các quan chức thương mại Mỹ đã tìm cách sửa luật theo hướng có lợi hơn cho các công ty trong nước. Ví dụ như chính quyền của Tổng thống George Bush vào năm 2002 đã áp thuế thép lên đến 30%, thế nhưng phạm vi áp dụng khi đó hẹp hơn nhiều so với hiện nay.

 

Chỉ số Dow Jones giảm liên tiếp trong phiên giao dịch cuối tuần qua sau thông báo sẽ tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép của chính quyền Tổng thống D.Trump.

Đến thời điểm hiện tại, chính quyền của Tổng thống D.Trump đưa ra các quy định thuế chặt chẽ hơn nhiều, dựa trên các quan điểm về bảo vệ an ninh quốc gia - Điều thứ 232 của Bộ luật được thông qua trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo chính quyền của Tổng thống D.Trump, hoạt động sản xuất kim loại nội địa Mỹ đang chịu nhiều thiệt hại và quốc gia này dễ bị tổn thương trong bối cảnh có những xung đột ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại. Do đó, việc áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm được cho là phù hợp nhằm mục đích bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài.

Đã nhiều năm nay, các cuộc vận động hành lang để Chính phủ thông qua các biện pháp cứng rắn như vậy không ngừng được thực hiện. Và không khó để nhận thấy, các công ty trong lĩnh vực nhôm và thép của Mỹ được hưởng lợi lớn nhất của chính sách này. 

Thế nhưng, những ngành sản xuất sử dụng nhôm, thép là nguyên liệu đầu vào bị ảnh hưởng mạnh khi chi phí sản xuất tăng cao. Có thể kể đến một loạt ngành rất quan trọng của nước Mỹ như sản xuất ô tô, công nghiệp hàng không, sản xuất thiết bị và xây dựng, năng lượng... 

Hậu quả là người lao động làm việc trong những lĩnh vực này có thể bị mất việc làm do chi phí tăng trong khi doanh thu giảm. Giới phân tích nhận định, việc áp đặt thuế quan sẽ không bảo vệ được việc làm của Mỹ mà chỉ làm tăng giá hàng hóa và đối tượng chịu thiệt thòi là người tiêu dùng.

Trong khi đó, các đối tác thương mại chính của Mỹ đã phản ứng dữ dội sau khi ông chủ Nhà Trắng công bố kế hoạch trên. Canada tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp đối phó. Mexico, Đức, Trung Quốc và Brazil cũng cho biết đang cân nhắc kế hoạch trả đũa. Theo Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Liên minh Châu Âu đang nghĩ tới biện pháp đáp trả nhằm vào một số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ như nông sản, xe máy Harley-Davidson, rượu whisky, ngô...

Sau thông báo mới nhất về thuế của Tổng thống D.Trump, thị trường chứng khoán Mỹ lập tức có sự phân hóa. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2-3 (giờ Mỹ), chỉ số Dow Jones giảm liền 4 phiên (xuống 24.538,06 điểm) còn S&P 500 và Nasdaq tăng (lên 2.691,25 điểm và 7.257,87 điểm).

Có thể thấy, hơn 1 năm sau khi nắm quyền, Tổng thống D.Trump đang dần hiện thực hóa những cam kết theo quan điểm “Nước Mỹ trên hết”. Cùng lúc, những quan ngại của dư luận về chính sách bảo hộ thương mại của Washington cũng ngày càng trở nên rõ ràng. Điều này rất khó tránh khỏi những xung khắc lợi ích giữa xứ Cờ hoa và các đối tác kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các cuộc chiến thương mại đầy bất lợi cho các bên và ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh toàn cầu.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top