Quan hệ Nga - NATO liên quan đến Ukraine:

Sóng gió lại nổi

10:58 - Thứ Hai, 12/03/2018 Lượt xem: 6951 In bài viết
Cuối tuần qua, một động thái có thể làm quan hệ Đông - Tây tiếp tục lún sâu vào căng thẳng khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trao cho Ukraine quy chế quốc gia có nguyện vọng gia nhập liên minh, chính thức công nhận ý nguyện của Kiev để trở thành thành viên đầy đủ của khối này.

Cùng với Bosnia và Herzegovina, Gruzia, Macedonia, việc NATO đưa Ukraine vào danh sách các nước mong muốn là thành viên được cho là bước đi nhằm thúc đẩy tham vọng mở rộng về hướng Đông của tổ chức quân sự này. Trong 3 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Kiev và NATO phát triển nhanh chóng trên mọi lĩnh vực. Ủy ban hợp tác Ukraine - NATO thường xuyên hoạt động và công tác đối thoại chính trị được đẩy mạnh. 

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bên cạnh đó, Kiev nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh trong nhiều vấn đề liên quan đến cải cách lực lượng vũ trang Ukraine. Sự giúp đỡ mạnh mẽ và rất cần thiết này được thể hiện bằng gói hỗ trợ toàn diện dành cho Ukraine, vốn được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Ba Lan năm 2016.

Theo giới quan sát quốc tế, phải mất ít nhất 20 năm nữa Ukraine mới có thể đáp ứng được các tiêu chí gia nhập của NATO và thậm chí khối quân sự này cũng phải “cân đo đong đếm” để đưa ra quyết định táo bạo như vậy. Tuy nhiên, động thái này được xem như một bước đi khiêu khích đối với Nga, quốc gia đã nhiều lần phản đối việc đưa biên giới của NATO tiến sát xứ sở Bạch dương.

Ngay từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine bùng phát cuối năm 2013, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. NATO tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Nga sau khi Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời cáo buộc Điện Kremlin có vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Khối liên minh quân sự có lịch sử gần 70 năm này cũng liên tục đổ lỗi cho Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine, đồng thời đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới Nga. 

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống V.Putin luôn phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc phương Tây và NATO lôi kéo chính quyền Kiev là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này. Sự căng thẳng liên tiếp được đẩy lên nấc thang mới khi NATO tổ chức nhiều cuộc tập trận ở vùng biển Baltic, tiếp giáp với lãnh hải của Nga. 

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình NBC mới đây, Tổng thống Nga V.Putin bác bỏ khả năng về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc đối đầu hiện nay giữa Nga và NATO thậm chí còn nguy hiểm hơn cả những gì đã xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh do thiếu đi yếu tố cân bằng lực lượng cũng như những kênh kết nối đàm phán trực tiếp. 

Bên cạnh đó, mối lo về cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi tại thông điệp liên bang hồi đầu tháng 3, ông chủ Điện Kremlin cho biết, Nga đã chế tạo được một số hệ thống vũ khí mới, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa, trang bị động cơ hạt nhân. Mặc dù Nga - NATO đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại, song thực tế cho thấy vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan về khả năng cải thiện mối quan hệ giữa hai bên.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề lợi ích quốc gia có trụ sở tại Mỹ Paul Saunders cho rằng, người dân Ukraine có quyền quyết định muốn gia nhập NATO hay không. Các nước NATO cũng có quyền quyết định có kết nạp Ukraine là thành viên hay không. Điều quan trọng là NATO phải tính đến việc an ninh Châu Âu sẽ trở nên bất ổn hay hòa bình hơn sau khi Ukraine trở thành thành viên của khối. Đó là điều mà các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine cần cân nhắc trước những sóng gió đang nổi lên hiện nay.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top