Tín hiệu đáng mừng từ nước Đức

10:14 - Thứ Năm, 15/03/2018 Lượt xem: 7240 In bài viết
Theo đúng kế hoạch, ngày 14-3, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua thành phần Chính phủ mới của nước này. Bà Angela Merkel tái đắc cử chức Thủ tướng - nhiệm kỳ thứ 4 - với 364 phiếu ủng hộ trên tổng số 709 nghị sĩ. Cùng ngày, Thủ tướng A.Merkel đã tuyên thệ nhậm chức sau khi được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier bổ nhiệm. Chính phủ mới của Đức, gồm 17 thành viên, cũng chính thức ra mắt.

Ngày vui của nước Đức diễn ra sau khi Thỏa thuận thành lập Chính phủ liên minh được lãnh đạo ba đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) và Xã hội cơ đốc giáo (CSU) đặt bút ký kết. Sự kiện này đã chính thức chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài gần 5 tháng qua kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội liên bang hồi tháng 9-2017, điều hiếm thấy đối với một chính trường luôn nổi tiếng bởi sự ổn định như Đức.

 

Bà Merkel nhận lời chúc mừng sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 4 hôm 14-3.

Phát biểu trước những người ủng hộ sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, bà A.Merkel khẳng định sẽ cùng các cộng sự nỗ lực hơn nữa vì một nước Đức công bằng và tự do. Nữ Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh mục tiêu cao nhất của Chính phủ là bảo đảm mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự thịnh vượng của nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, đối phó với các vấn đề kinh tế, an ninh cũng như giải quyết tận gốc những vấn đề liên quan đến người nhập cư. Đương kim Thủ tướng A.Merkel cũng thể hiện tham vọng lớn trong việc thực hiện các cải cách đột phá về kinh tế số hóa.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những mong muốn này sẽ phải tính tới khả năng xử lý hài hòa lợi ích giữa các đảng góp mặt trong Chính phủ mới. Trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận liên minh, CDU nhiều lần nhượng bộ đáng kể về nền tảng chính sách tương lai trước SPD, khiến không ít mâu thuẫn nội bộ có nguy cơ phát sinh.

Đối với Liên minh Châu Âu (EU), sự ra mắt nội các mới ở Đức là tin tức vô cùng tích cực và được dư luận chờ đón bởi thế bế tắc chính trị trong thời gian qua của nước này, cường quốc kinh tế số 1 của châu lục, đã làm đình trệ nhiều dự án cải tổ quan trọng của khối.

Hiện, Thủ tướng A.Merkel cho biết sẽ sớm lên đường sang Pháp gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về các chương trình cải tổ khối và vấn đề này sẽ chính thức được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào cuối tháng 3. Các quan chức khác trong chính quyền Đức cũng hứa hẹn Chính phủ mới sẽ đóng góp tài chính nhiều hơn cho các dự án của EU. 

Bên cạnh Thủ tướng A.Merkel, Phó Thủ tướng tương lai Olaf Scholz là người luôn ủng hộ tiến trình hội nhập Châu Âu. Điều này được xem là tín hiệu tích cực đối với sự gắn kết nội bộ EU những năm tới.

Tuy nhiên, có rất nhiều khó khăn đang chờ đợi Chính phủ mới ở Berlin ngay cả khi đang có được sự ủng hộ hết mình của Paris. Những thử thách lớn bao gồm việc hoàn thành Liên minh ngân hàng EU, tìm lời giải cho bài toán chủ nghĩa dân tộc tại Trung và Đông Âu, xử lý các thách thức từ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ... Những vấn đề vốn đã nan giải này càng phức tạp hơn khi EU đang đối mặt tình trạng chính trị thiếu ổn định, mà kết quả bầu cử ở Italia vừa qua là minh chứng rõ nét. Châu Âu lo ngại khi có nhiều ý kiến chống lại sự hội nhập EU thì cả khối sẽ khó khăn hơn trong việc đồng thuận đối phó các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Tuy nhiên, việc Chính phủ liên minh mới đi vào hoạt động đã gửi đi những tín hiệu đáng mừng với cả nước Đức và Lục địa già. Việc cả ba chính đảng tìm được tiếng nói chung đã loại bỏ nhiều nguy cơ đáng ngại đối với chính trường Đức, tạo tiền đề thống nhất quan trọng, mở ra cơ hội cho những bước phát triển ổn định tiếp theo của nước Đức, một đầu tàu kinh tế của EU.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top