Diễn đàn Châu Á Bác Ngao:

Nhấn mạnh vai trò “chèo lái” của kinh tế Châu Á

10:26 - Thứ Tư, 11/04/2018 Lượt xem: 9300 In bài viết
Với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, đổi mới tại Châu Á vì sự thịnh vượng chung của thế giới, Hội nghị thường niên Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (BFA) 2018 diễn ra tại đảo Hải Nam, Trung Quốc từ ngày 8 đến 11-4 thu hút sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo doanh nghiệp. 

Hiện nay, các nền kinh tế Châu Á đóng góp tới hơn 1/3 vào nền kinh tế thế giới và có mối liên hệ, tương trợ qua lại ngày càng mật thiết. Giao dịch thương mại giữa các nền kinh tế trong khu vực trên thực tế đã vượt qua lượng giao dịch giữa Châu Á và Liên minh Châu Âu (EU). Do đó, chủ đề của BFA 2018 là "Một Châu Á cởi mở và đổi mới vì một thế giới thịnh vượng hơn", với 4 nội dung lớn, gồm: “Toàn cầu hóa với “Vành đai và Con đường”, “Châu Á mở cửa”, “Sáng tạo” và “Cải cách rồi mở cửa”. Tại đây, các chuyên gia, học giả, các nhà quản lý kinh tế đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra những biện pháp vượt qua những thách thức mà Châu Á đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Trung Quốc và Mỹ, tuy không phải là nội dung chính, nhưng lại là chủ đề "nóng" thu hút sự quan tâm của truyền thông.

 

Diễn đàn Châu Á Bác Ngao ngày càng có vị thế quan trọng trên chính trường quốc tế.

Thực tế, khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Donald Trump đã mang lại nhiều thách thức cho các nền kinh tế Châu Á vốn dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng, bởi những chính sách bảo hộ thị trường nội địa. Chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống D.Trump càng phủ bóng đen lên BFA 2018 khi nước chủ nhà Trung Quốc và Mỹ đang đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc chiến tranh thương mại lớn. Cuộc chiến này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hai nền kinh tế hàng đầu của thế giới, mà còn tác động lớn tới cả thương mại và kinh tế của khu vực Châu Á. Ngoài ra, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khiến Châu Á lo ngại về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Vì thế, trong “Báo cáo hằng năm về sức cạnh tranh của Châu Á năm 2018” công bố tại cuộc họp báo trong khuôn khổ BFA 2018 đã nhấn mạnh vai trò “chèo lái” quan trọng của kinh tế Châu Á đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời khẳng định các yếu tố về tăng trưởng bên ngoài được tăng cường, đà chuyển động bên trong và sự hợp tác sâu rộng giữa các thị trường gắn kết về kinh tế là xung lực thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của Châu Á. Báo cáo cho rằng, thực thi các chính sách kinh tế cởi mở và đổi mới sẽ tiếp tục mang đến nhiều lợi thế phát triển, cũng như bảo đảm các nền kinh tế Châu Á có được sự ổn định hơn và phát triển tốt trong tương lai.

Theo các chuyên gia, phát triển theo hướng đổi mới là động lực duy nhất có thể duy trì sự thành công của các nền kinh tế Châu Á trong dài hạn. Theo đó, BFA đang trở thành một phiên bản Châu Á của Diễn đàn kinh tế thế giới, bởi tập trung giải quyết những thách thức mà Châu Á đang phải đối mặt và cách thức mà khu vực năng động này có thể đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của thế giới. Như khẳng định của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại BFA 2018 rằng, "các đề xuất Bác Ngao” đã giúp xây dựng lòng tin tại Châu Á, khuyến khích hợp tác, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và tăng cường xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top