Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Thụy Điển:

Dấu mốc mới trong "hành trình phương Bắc"

10:38 - Thứ Sáu, 20/04/2018 Lượt xem: 8840 In bài viết
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Bắc Âu đã ghi nhận một dấu mốc mới khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thực hiện chuyến thăm Thụy Điển lần đầu tiên sau gần 30 năm và đồng chủ trì Hội nghị cấp cao Ấn Độ - Bắc Âu cùng người đồng cấp Thụy Điển Stefan Lofven.

Ấn Độ đang được xem là một đối tác đầy tiềm năng đối với các quốc gia Châu Âu và Bắc Âu không là ngoại lệ. Quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Bắc Âu phát triển khá ổn định, với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 5,3 tỷ USD mỗi năm. Hợp tác hai bên phát triển không ngừng khi nhiều công ty Bắc Âu duy trì sự hiện diện tại Ấn Độ và nhiều nhà đầu tư của cường quốc Nam Á chọn Bắc Âu là điểm đến, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 

 

Những thế mạnh của cả hai bên là cơ hội lớn cho việc đa dạng hóa thương mại, đầu tư và hợp tác cùng có lợi. Ấn Độ thu được lợi ích kinh tế không chỉ nhờ vào phát triển công nghiệp, dược phẩm, công nghệ thông tin mà còn nhờ đội ngũ lao động trẻ. Lứa tuổi thanh niên của quốc gia này đang chiếm khoảng 60-70%, tạo điều kiện đáng kể cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong khi đó, các quốc gia Bắc Âu nằm trong số những nước có chất lượng cuộc sống vượt trội. Những lĩnh vực mà Ấn Độ dành sự quan tâm đặc biệt là vấn đề chính sách công và đấu tranh chống tham nhũng. Trong khi đó, mô hình phát triển của Ấn Độ là điều các nước Bắc Âu cần quan tâm để tìm ra bước đi mới khi phát triển kinh tế vẫn đạt kết quả ấn tượng nhưng không có nhiều điểm đột phá.

Tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ và lãnh đạo 5 quốc gia Bắc Âu gồm: Iceland, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển đã tập trung thảo luận về các vấn đề an ninh toàn cầu, tăng trưởng kinh tế, xây dựng thành phố thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển khoa học - công nghệ, năng lượng sạch… Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng, sự đổi mới và chuyển đổi số hóa đang thúc đẩy sự phát triển trong một thế giới kết nối, làm nền tảng cho sự gắn kết ngày càng tăn g giữa Ấn Độ và các nước Bắc Âu. Trong các cuộc thảo luận, tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp cũng như sự thịnh vượng và tăng trưởng thương mại quốc tế đã được nhấn mạnh, đồng thời ghi nhận trong tuyên bố chung của hội nghị. 

Các nhà lãnh đạo thừa nhận, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan là những thách thức lớn với cộng đồng quốc tế. Bắc Âu hoan nghênh đơn xin gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) của Ấn Độ và khẳng định cam kết xây dựng nhóm phát triển đạt kết quả tích cực. Các nước cũng khẳng định sự ủng hộ đối với những cải cách của Liên hợp quốc để tổ chức này thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, giúp các nước thành viên hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững... 

Thủ tướng Stefan Lofven nhấn mạnh, Ấn Độ đã nổi lên như một trong những cường quốc toàn cầu. Không có cuộc thảo luận nào về biến đổi khí hậu hay phát triển bền vững đạt hiệu quả cao nếu thiếu tiếng nói của quốc gia này, trong khi các cơ hội phát triển tại thị trường Ấn Độ rộng lớn và đầy tiềm năng đang tạo ra sức hút rất lớn. Những thỏa thuận, văn kiện đạt được trong chuyến đi của Thủ tướng N.Modi không chỉ nhấn mạnh đến những lĩnh vực hai bên có thể hợp tác mà còn là những giá trị chung cho các quốc gia này chia sẻ. Thành quả của hành trình phương Bắc cũng khẳng định nỗ lực mở rộng quan hệ và tăng cường vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế trong bối cảnh sự cạnh tranh chiến lược tại khu vực đang ngày càng gay gắt.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top