Tây Ban Nha: Nội các mới, thách thức cũ

15:13 - Thứ Sáu, 08/06/2018 Lượt xem: 9226 In bài viết
Sau 5 ngày tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố danh sách nội các mới gồm 17 bộ trưởng, trong đó có 11 nữ và 6 nam. Đây là nội các có số thành viên nữ nhiều nhất trong lịch sử hiện đại Tây Ban Nha kể từ năm 1975.

Dù được đánh giá là một hình ảnh tích cực đại diện cho sự bình đẳng giới, song Chính phủ mới của ông P.Sanchez được cho là sẽ đối mặt với không ít khó khăn, trong đó có không ít thử thách tồn tại qua nhiều đời nội các mà chưa được giải quyết. 

 

Nội các mới của Tây Ban Nha ra mắt ngày 6-6.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là việc đảng Xã hội cầm quyền chỉ nắm 84/350 ghế trong Quốc hội. Điều này có thể khiến tân Thủ tướng P.Sanchez gặp khó khăn khi phải thuyết phục thêm các nghị sĩ thuộc những đảng khác tại Quốc hội ủng hộ các quyết sách điều hành đất nước trong thời gian tới. Trong khi đó, các đảng được cho là cùng một “chiến tuyến” với đảng Xã hội cũng có nhiều vấn đề không đồng thuận với chính sách mà ông P.Sanchez theo đuổi. 

Một trong những tuyên bố mà tân Thủ tướng Tây Ban Nha đưa ra sau khi nhậm chức là sẽ tôn trọng chính sách cắt giảm mà Madrid đã cam kết với Liên minh Châu Âu (EU) và triển khai kế hoạch ngân sách năm 2018 đúng như những gì Chính phủ người tiền nhiệm Mariano Rajoy đã thiết kế. Tuy nhiên, điều này sẽ đặt ông P.Sanchez vào thế đối đầu với đảng Podemos, một đồng minh của đảng Xã hội, vốn theo chủ trương chống chính sách thắt lưng buộc bụng.

Trên thực tế, những chính sách mà cựu Thủ tướng M.Rajoy đưa ra đã giúp Tây Ban Nha vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng nợ khuấy đảo Châu Âu từ năm 2009. Từ chỗ bị xếp vào nhóm “mắt xích yếu” của nền kinh tế Cựu lục địa, thời gian gần đây, Tây Ban Nha đã có những bước tiến tích cực. Theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha (BoS) năm 2017, kinh tế nước này đã tăng trưởng 3,1%. Các nhà phân tích và giới truyền thông đều nhận định, Madrid là hiện tượng hồi phục tiêu biểu cho chính sách tái cơ cấu nền kinh tế ở Châu Âu. Chính vì thế, nếu đảo ngược những gì người tiền nhiệm đã xây dựng, Thủ tướng P.Sanchez có thể sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng phái khác. 

Ngoài việc phải xoay xở với một vị thế yếu của Chính phủ thiểu số, thách thức gai góc khác mà Thủ tướng P.Sanchez phải đối mặt đó là vấn đề liên quan tới Catalonia. Sau cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cuối năm 2017, thế giới đã phải chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình và đình công tại vùng tự trị thịnh vượng bậc nhất Tây Ban Nha. Cách xử lý có phần bạo lực của chính quyền cựu Thủ tướng M.Rajoy khi triển khai lực lượng an ninh tới trấn áp những người biểu tình không vũ trang ở Catalonia càng làm tâm lý phản kháng của người dân nơi đây đối với Madrid lên một nấc thang mới, dù hiện tại, tình hình tại đây đã tạm lắng. 

Ngày 2-6, chính quyền mới của vùng Catalonia đã tuyên thệ nhậm chức, động thái mở đường để chính quyền trung ương chấm dứt sự lãnh đạo trực tiếp đối với khu vực tự trị này, qua đó có thể tránh một cuộc trưng cầu dân ý tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn những chia rẽ giữa người dân vùng Catalonia với Chính phủ Tây Ban Nha không đơn giản, bởi những bất đồng gây ra cuộc khủng hoảng cuối năm 2017 đã tồn tại từ khá lâu. Việc thay thế toàn bộ chính quyền mới tại Catalonia chỉ được coi là giải pháp tình thế. Tham vọng tách ra khỏi Xứ bò tót vẫn là mong muốn của rất nhiều người dân vùng này. 

Theo nhiều nhà phân tích, Thủ tướng P.Sanchez sẽ chỉ thông qua được những chính sách cải cách ít mang lại tác động cho xã hội và ít người để ý như Luật Bảo mật. Nếu không tìm ra được biện pháp thuyết phục các nghị sĩ trong Quốc hội đứng về phía mình, ông P.Sanchez sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử trước thời hạn để tìm ra một Chính phủ ổn định hơn.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top