Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần thứ 18: Cơ hội mở rộng hợp tác

09:28 - Thứ Ba, 12/06/2018 Lượt xem: 8138 In bài viết
Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 18 vừa bế mạc sau hai ngày làm việc tại TP Thanh Đảo (Sơn Đông, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tham dự phiên khai mạc SCO năm nay có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và lãnh đạo các nước thành viên, các nước quan sát viên, các nước đối tác đối thoại.

 

Các nước SCO đồng thuận theo đuổi hòa bình và ổn định trong khu vực.

SCO thành lập năm 2001 với 6 nước thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, với tiêu chí ban đầu là hợp tác giải quyết các vấn đề biên giới, hợp tác an ninh chống tội phạm xuyên biên giới và chống khủng bố… Năm 2017, SCO kết nạp thêm Ấn Độ và Pakistan, đồng thời mở rộng nội dung hợp tác trên tất cả lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, du lịch và giao lưu nhân dân... Tham gia hoạt động của SCO còn có bốn nước quan sát viên là Afghanistan, Belarus, Iran, Mông Cổ và sáu nước đối tác đối thoại gồm Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka. Mỹ từng bày tỏ mong muốn trở thành nước quan sát viên của SCO nhưng không được chấp nhận. Tới nay, các quốc gia thành viên SCO chiếm 25% GDP, 43% dân số và 23% diện tích lãnh thổ toàn cầu.

Diễn ra trong hai ngày 9 và 10-6, nhưng những gì SCO thể hiện cho thấy sự đoàn kết vượt trội so với Hội nghị Thượng đỉnh G7, vốn đang chia rẽ nặng nề vì những bất đồng quan điểm giữa Mỹ và các nước phương Tây. Tổng thống Nga nhận định, SCO đã phát triển thành tổ chức có sức mạnh và tiềm lực đáng kể với tổng sức mua toàn khối (do Nga và Trung Quốc dẫn đầu) đã vượt xa G7. Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá sau 17 năm, SCO đã trở thành mô hình hợp tác khu vực lớn nhất thế giới tuy vẫn còn nhiều nguy cơ, thách thức. Điều đó đòi hỏi các thành viên phải có cách nhìn nhận và đánh giá chính xác với xu thế, cục diện của thời đại. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, mặc dù chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa có những biểu hiện mới, nhưng “thế giới phẳng” khiến lợi ích các quốc gia ngày càng đan xen, cùng chung vận mệnh, hợp tác cùng thắng sẽ là xu thế lớn và tất yếu. 

Trong khuôn khổ hội nghị, các quốc gia thành viên đã thông qua 17 văn kiện, trong đó có chương trình hợp tác giai đoạn 2019-2021 về chống khủng bố, ly khai và cực đoan với mục đích đẩy mạnh sự hợp tác thực chất trong lĩnh vực này giữa các nước thành viên. Lãnh đạo các nước cũng ủng hộ một chương trình giáo dục để ngăn chặn thế hệ trẻ vướng vào các hành động tiêu cực và ký một quyết định phê duyệt Chiến lược chống ma túy SCO. Thủ tướng Ấn Độ N.Modi đánh giá cao vai trò của hội nghị, cho rằng chương trình nghị sự năm nay hết sức phong phú.

Trong phiên bế mạc, Tuyên bố Thanh Đảo và thông cáo báo chí của hội nghị một lần nữa nhấn mạnh, SCO đang đứng trước cơ hội mở rộng hợp tác không ngừng, đồng thời cho rằng việc cải thiện hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu là hết sức quan trọng, song song với việc củng cố, phát triển cơ chế thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và xây dựng một nền kinh tế thế giới mở. Các thành viên SCO ủng hộ tiến trình hòa giải các cuộc xung đột ở Afghanistan, Syria, Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, cũng như những khu vực khác. Các nước thành viên SCO cũng có nhận thức chung về tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA).

Với việc kết nạp thêm hai thành viên là Ấn Độ và Pakistan, SCO trở thành một tổ chức khu vực đơn nhất, có ảnh hưởng và quyền lực đáng kể trên quy mô toàn cầu. Hội nghị năm nay cho thấy sự chuyển biến rõ nét về quan hệ hợp tác đa phương toàn diện và sâu sắc hơn. Sang năm 2019, Kyrgyzstan tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên SCO, đồng nghĩa với việc Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần thứ 19 sẽ được tổ chức tại nước này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top