Hội nghị Bộ trưởng RCEP: Hướng tới sự đồng thuận

09:36 - Thứ Ba, 03/07/2018 Lượt xem: 8490 In bài viết
Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 5 các nước đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa kết thúc tại Tokyo, Nhật Bản.

Diễn ra từ ngày 29-6 đến ngày 2-7, tham gia hội nghị lần này có bộ trưởng và thứ trưởng phụ trách kinh tế của 16 nước thành viên. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu. Trong bối cảnh những lo ngại từ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng, các nước đàm phán hướng tới đạt được sự đồng thuận chung trong năm 2018.

 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và đại diện các nước dự Hội nghị đàm phán RCEP tại Tokyo, Nhật Bản.

RCEP, do Trung Quốc khởi xướng, là hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại, gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Mục tiêu đàm phán của RCEP là đạt được một thỏa thuận hợp tác kinh tế tân tiến, toàn diện, có chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Nội dung đàm phán RCEP gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, thương mại điện tử... Hiệp định RCEP sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ hoạt động thương mại thuận lợi hơn, tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị trong khu vực. Việc hoàn tất RCEP sẽ dẫn tới việc thành lập khối thương mại lớn nhất thế giới, đóng vai trò là đầu tàu tăng trưởng toàn cầu.

Trải qua hàng chục vòng đàm phán từ năm 2013, đến nay, các quốc gia mới nhất trí được 2 trong số 18 điều khoản cần thống nhất. Trong khi một số quốc gia như Nhật Bản muốn nâng cao cấp độ tự do thương mại thì Trung Quốc và Ấn Độ lại tỏ ra thận trọng. Hồi tháng 3-2018, các bộ trưởng đã nhất trí đẩy mạnh những nỗ lực để có thể thống nhất một thỏa thuận trong năm nay. Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các đối tác thương mại, làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại, gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu, càng thúc đẩy các nước tham gia RCEP sớm đạt được thỏa thuận trong đàm phán. Vậy nên, tại hội nghị do Nhật Bản, Singapore đồng chủ trì lần này, các bên mong muốn thu hẹp bất đồng và kết nối những điểm khác biệt trong các lĩnh vực như giảm thuế quan, tài sản trí tuệ, thương mại điện tử nhằm sớm đạt được thỏa thuận về RCEP.

Phát biểu trước khi bắt đầu cuộc họp chung, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các cuộc họp đàm phán RCEP càng gây chú ý hơn và được xem như cơ hội kiểm chứng các quốc gia Châu Á có đoàn kết, bảo vệ chủ nghĩa tự do thương mại hay không. Ông S.Abe cũng kêu gọi thiết lập một thị trường tự do, công bằng dựa trên các luật định.

Việt Nam tham gia đàm phán RCEP với vai trò thành viên quan trọng của khu vực ASEAN. Đánh giá về các cuộc đàm phán RCEP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, do nội dung phạm vi đàm phán rộng, trình độ phát triển của các nước tham gia chưa thực sự đồng đều nên yêu cầu và lợi ích các bên vẫn khác nhau.

Bên cạnh đó, hiện có 7 nước ngoài RCEP tham gia thỏa thuận Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo các nhà phân tích, những quốc gia này có thể không còn mặn mà với RCEP sau khi việc xây dựng CPTPP đã được nhất trí. Đó là một thách thức để các bên tham gia đàm phán cần nỗ lực hơn nữa.

Dù vẫn còn nhiều khác biệt về quan điểm nhưng Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần này đã truyền đi thông điệp rõ ràng, nhất quán về chính sách mở cửa, tăng cường hội nhập kinh tế của các nước trong khu vực, góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của nền kinh tế các nước RCEP.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top