Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 10:

Hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng

16:15 - Thứ Hai, 30/07/2018 Lượt xem: 8286 In bài viết
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vừa diễn ra tại TP Johannesburg (Nam Phi) với chủ đề: “BRICS ở châu Phi: Hợp tác phát triển hòa nhập và thịnh vượng chung trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Hội nghị kéo dài 3 ngày (từ ngày 25 đến 27-7) là dịp để các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và nước chủ nhà Nam Phi tăng cường hợp tác, tìm tiếng nói chung về tăng trưởng và phát triển kinh tế. Hội nghị cũng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu. 
 

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 10 là cơ hội để các nước thành viên tìm kiếm tiếng nói chung về tăng trưởng và phát triển.

Có thể thấy, một thập kỷ qua BRICS đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Năm quốc gia BRICS chiếm tổng cộng 41% dân số, 26% diện tích lãnh thổ thế giới, nắm giữ gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 18% giá trị thương mại toàn cầu. Khối luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế, đạt 3,8% trong năm 2015, 4,2% năm 2016 và 5,1% năm 2017. Nguồn lực dồi dào về kinh tế, lãnh thổ và con người chính là cơ sở vững chắc để BRICS duy trì đà phát triển, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề quốc tế.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự của hội nghị xoay quanh chủ đề "Hợp tác phát triển hòa nhập và thịnh vượng chung trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" bị phủ bóng bởi mối bận tâm liên quan đến những tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Canada, Liên minh châu Âu, Mexico... thời gian gần đây. Những tranh chấp này đang làm xói mòn lòng tin về tăng trưởng kinh tế thế giới và gây tổn thương tất cả các thành viên của BRICS, trước tiên là Trung Quốc. 

Giới quan sát nhận định, đây là cơ hội để 5 quốc gia BRICS thể hiện tiếng nói chống chủ nghĩa bảo hộ, khuyến khích trao đổi thương mại nội khối, cổ vũ cho việc gia tăng các trao đổi thương mại thông qua đồng tiền quốc gia, thoát khỏi sự lệ thuộc vào đồng USD, đồng thời đa dạng hóa quan hệ thương mại nhằm giảm thiểu tổn thất từ cuộc đối đầu với Washington.

Lập trường vững chắc về duy trì tự do thương mại toàn cầu được BRICS thể hiện ngay trong tuyên bố chung của hội nghị. Các nhà lãnh đạo tiếp tục nhấn mạnh vai trò trung tâm của hệ thống thương mại đa phương, toàn diện, mở, minh bạch và dựa trên quy định, cùng vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong duy trì an ninh và ổn định của hoạt động thương mại quốc tế.

Nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại giữa các nước thành viên đã được đưa ra, trong đó có việc tăng cường vai trò tổ chức tài chính của nhóm là Ngân hàng Phát triển mới (NDB). Ngân hàng này cũng vừa phê duyệt các khoản vay trị giá 600 triệu USD cho các dự án năng lượng và giao thông ở Nam Phi và Trung Quốc, đồng thời dự kiến cho các thành viên BRICS vay 4 tỷ USD trong năm nay.

Nhóm cũng đang nỗ lực tăng cường sự tham gia vào các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu, an ninh khu vực và chống khủng bố. Các bên tiếp tục cam kết nâng cao quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích người dân các quốc gia, thúc đẩy hòa bình, củng cố cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân... Các nước thành viên BRICS cũng bày tỏ quan ngại về tình hình leo thang xung đột, căng thẳng tại Trung Đông, Bắc Phi, xung đột Israel - Palestine và kêu gọi nối lại các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ tình hình.

Các chuyên gia cho rằng, dù giữa 5 thành viên còn tồn tại nhiều khác biệt về lợi ích, tăng trưởng không đồng đều và thiếu toàn diện, vai trò của các hoạt động hợp tác, trao đổi và tăng cường liên kết là không thể thiếu nhằm hướng tới lợi ích chung. Đây cũng là nền tảng để các quốc gia BRICS giảm tác động tiêu cực từ chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại, tăng cam kết quốc tế, hiện thực hóa các chiến lược phát triển trong thập kỷ tới.
P.V (Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top