Iraq bầu Chủ tịch Quốc hội: Bước khởi đầu thuận lợi

08:25 - Thứ Ba, 18/09/2018 Lượt xem: 7922 In bài viết
Ngày 15-9, Quốc hội Iraq đã bầu nghị sĩ Hồi giáo dòng Sunni Mohammed Al-Halbousi làm Chủ tịch Quốc hội, sau 4 tháng kể từ khi cuộc tổng tuyển cử tại quốc gia Trung Đông này được tổ chức nhưng không mang lại kết quả nào.

Thực tế, những rắc rối trong bài toán chính trị Iraq đã kéo dài nhiều tháng qua. Ngày 3-9, nước này bắt đầu kỳ họp Quốc hội đầu tiên kể từ sau cuộc tổng tuyển cử (diễn ra hồi tháng 5-2018), song vẫn không thể lựa chọn được chủ tịch và hai phó chủ tịch.

 

Nghị sĩ Hồi giáo Mohammed Al-Halbousi (giữa) đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Iraq.

Chính vì vậy, giờ đây việc ông Al-Halbousi trở thành người đứng đầu cơ quan lập pháp tối cao là điều đáng mừng và là hệ quả đáng khích lệ từ việc 16 nhóm chính trị tại Iraq đạt được thỏa thuận thành lập liên minh lớn nhất tại Quốc hội. Trong số này có cả khối chính trị kết hợp giữa Liên minh al-Sa’iroon của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite nhiều ảnh hưởng Moqtada Sadr và đảng Hồi giáo Daawa của đương kim Thủ tướng Haider al-Abadi. Nói cách khác, việc bầu được Chủ tịch Quốc hội là tín hiệu tích cực cho thấy các lực lượng chính trị của Iraq bước đầu tìm thấy tiếng nói chung.

Kế đến, động thái mới này cũng là "pháo hiệu” mở đầu quan trọng đối với việc xúc tiến thành lập chính phủ mới theo đúng quy định trong Hiến pháp Iraq, quy trình buộc phải hoàn tất trong vòng 90 ngày kể từ khi Chủ tịch Quốc hội được bầu ra. Trong mọi kịch bản, dù lực lượng chính trị nào giành chiến thắng, dù cá nhân nào đủ năng lực ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang quốc gia thì cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh với các bên còn lại vẫn phải diễn ra trong khoảng thời gian trên.

Theo giới quan sát, tín hiệu vui nói trên xuất hiện rất đúng lúc vì nó có thể giúp những căng thẳng gần đây tại Iraq trở nên lắng dịu. Trước đó, suốt từ ngày 3-9, làn sóng biểu tình tại tỉnh Basra (miền Nam Iraq) đã bùng phát trở lại (sau khi xuất hiện vào tháng 7) và nhanh chóng biến thành các vụ bạo loạn. Người dân Basra xuống đường biểu tình nhằm thể hiện sự bất bình về dịch vụ công yếu kém, tình trạng mất điện, nước, ô nhiễm và vấn đề tham nhũng tại đây. Lợi dụng bất ổn, những đối tượng quá khích đã phóng hỏa trụ sở của chính quyền tỉnh, đốt phá nhiều cơ quan nhà nước... Chưa dừng ở đó, ngày 7-9, nhiều người đã xông vào đốt phá tòa lãnh sự Iran ở thành phố này, khiến quan hệ giữa hai nước Trung Đông bất ngờ nóng lên. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Iraq tại Tehran Rageh Saber Abbood Al-Musawi đến để trao đổi về vụ việc.

Tình hình phức tạp cũng khiến hai lực lượng chiếm ưu thế tại Quốc hội Iraq (Liên minh Hướng tới cải cách và Liên minh Chinh phục) lên tiếng chỉ trích chính phủ thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Basra, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Haider al-Abadi từ chức. Tuy sau đó, tình hình tại Basra đã ổn định từ cuối ngày 8-9, nhưng các nhà quan sát lại cho rằng, bất ổn leo thang như vậy thực sự đã "giáng một đòn mạnh" vào hy vọng tiếp tục nắm quyền của ông al-Abadi.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Iraq bầu được Chủ tịch Quốc hội là bước tiến cực kỳ quan trọng và thuận lợi. Tuy nhiên, muốn có một bộ máy hoàn chỉnh để điều hành đất nước, Iraq chắc chắn gặp phải vô vàn khó khăn. Chính phủ mới sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn đọng do lịch sử để lại như: Quá trình tái thiết đất nước thời kỳ hậu xung đột, vấn nạn tham nhũng và chia rẽ sắc tộc. Chính vì vậy, để có một tương lai tươi sáng, bộ máy nội các của quốc gia Trung Đông này phải thực sự mạnh mẽ, có đủ khả năng cung cấp các dịch vụ công cho người dân, đồng thời tạo lập và duy trì được an ninh song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top