Kinh tế Brazil trước ngưỡng cửa mới

14:42 - Thứ Tư, 31/10/2018 Lượt xem: 8794 In bài viết

Đúng với kết quả thăm dò dư luận, ứng cử viên cánh hữu thuộc đảng Xã hội Tự do (PSL) Jair Bolsonaro đã đắc cử Tổng thống Brazil. Đây là lần đầu tiên một đảng cực hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống kể từ khi chế độ dân chủ được khôi phục tại quốc gia Nam Mỹ này hồi giữa những năm 80 của thế kỷ trước.

Theo kết quả do Ủy ban Bầu cử quốc gia Brazil công bố, ông Jair Bolsonaro nhận được 55,13% số phiếu ủng hộ, vượt qua ứng cử viên đảng Lao động (PT) Fernando Haddad khi giành 44,87% số phiếu ủng hộ. Với kết quả này, ông Bolsonaro sẽ chính thức kế nhiệm Tổng thống Michel Temer trong nhiệm kỳ 4 năm tới kể từ ngày 1-1-2019.

 

Tân Tổng thống Brazil cam kết sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho nước này.

Theo nhận định của giới phân tích, trong bối cảnh đất nước Brazil đang phải trải qua một giai đoạn đầy biến động với những vụ bê bối dính líu tới nhiều chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn, những mâu thuẫn căng thẳng giữa các đảng phái, nền kinh tế rơi vào thời kỳ suy thoái dài nhất trong lịch sử và tình hình bạo lực vẫn gia tăng, quan điểm chính trị của ông J.Bolsonaro được cho là phù hợp. Ưu tiên những vấn đề mang tính lợi ích của Brazil với khẩu hiệu “Brazil trên hết, Đức Chúa trên hết”, ông J.Bolsonaro cam kết sẽ đưa ra nhiều thay đổi trong việc triển khai chương trình kinh tế vì lợi ích của dân tộc, đưa nền kinh tế Brazil thoát khỏi giai đoạn suy thoái hiện nay. Trong đó, đáng chú ý là ý định tự do hóa nền kinh tế, tư hữu hóa tất cả các doanh nghiệp nhà nước, kể cả tập đoàn dầu khí khổng lồ Petrobras. Tổng thống đắc cử Brazil cũng khẳng định sẽ từng bước triển khai những chính sách mới để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động, tái khởi động việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ông Bolsonaro còn tuyên bố sẽ giảm các khoản chi tiêu công, điều chỉnh lại mô hình hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.

Mặc dù ông Bolsonaro cam kết sẽ thực hiện một phong cách lãnh đạo mạnh mẽ, đôi khi có thể là độc đoán để giải quyết triệt để các vấn nạn mà quốc gia lớn nhất Nam Mỹ đang phải đối mặt, song để triển khai những mục tiêu đề ra trong suốt quá trình tranh cử không hề đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh Brazil đang bị chia rẽ mạnh mẽ. Ngay tại Quốc hội, đảng PSL của ông Bolsonaro cũng sẽ phải có chiến lược liên kết và nhượng bộ trong từng giai đoạn với một số chính đảng khác trong tổng số gần 30 đảng phái để có thể nhận được sự ủng hộ đối với các dự luật được đưa ra thảo luận tại cơ quan lập pháp.

Hiện tại, nền kinh tế của cường quốc số một Nam Mỹ đang hứng chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng suy thoái trong hai năm liền trước khi manh nha tăng trưởng được 1% trong năm 2017. Hai vấn đề khẩn cấp mà Brazil phải giải quyết là nợ và sản xuất nông nghiệp. Với món nợ 1.000 tỷ USD, chiếm 84% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Brazil dường như không còn cách nào ngoài giải pháp bán các công ty nhà nước để bù đắp thâm thủng ngân sách. Về sản xuất nông nghiệp - nguồn thu ngoại tệ số một của Brazil thuộc các lĩnh vực: Nuôi bò, trồng đậu nành, mía đường... vẫn bị trói buộc bởi các cam kết tôn trọng Hiệp định chống biến đổi khí hậu COP21 của Chính phủ tiền nhiệm. Tuy nhiên, tình hình sẽ khó được cải thiện dưới thời tân Tổng thống J.Bolsonaro vì ngành trồng trọt và chăn nuôi tập trung ở các bang trong vùng Amazon. Trong khi đó, những ưu tiên của tân Tổng thống lại không hướng đến khu vực này.

Với việc ông Bolsonaro đắc cử tổng thống, đất nước Brazil sẽ bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới trong lịch sử phát triển với vô vàn thách thức. Nhân dân Brazil là những người đã quyết định sự thay đổi trong cuộc bầu cử lần này với mong muốn tốt đẹp hơn cho đất nước, nhưng thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất cho sự lựa chọn này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top