Mất mát lớn vì thảm họa thiên nhiên

15:15 - Thứ Tư, 20/03/2019 Lượt xem: 7141 In bài viết

Bão lớn ở Mozambique, lũ ở Mỹ và động đất, lũ quét ở Indonesia đã làm hơn 1.000 người chết. Dự báo hiện tượng thời tiết cực đoan năm nay sẽ gây ra nhiều thảm họa thiên nhiên và gây tổn thất hàng trăm tỷ USD cho thế giới.

 

Bão Idai làm hơn 1.000 người chết ở Mozambique.

Mozambique: Hơn 1.000 người thiệt mạng do bão 

Ngày 18-3, Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi cho biết, hơn 1.000 người đã thiệt mạng và khoảng 100.000 người khác đang phải đối mặt với lũ lụt nghiêm trọng sau khi cơn bão nhiệt đới Idai tàn khốc tràn qua nước này hôm 15-3. Số người chết cụ thể và quy mô thiệt hại chưa thể được xác định sớm do nhiều khu vực vẫn bị cô lập, thông tin liên lạc bị cắt đứt.

Bộ trưởng Môi trường Mozambique Celso Correira nhận định rằng, đây là thảm họa thiên nhiên lớn nhất mà Mozambique từng đối mặt. Nhiều cơ sở hầu như bị phá hủy hoàn toàn và ưu tiên chính tại quốc gia này hiện nay là giải cứu các nạn nhân. Mặc dù nhiều khu vực bị cô lập, thông tin liên lạc bị cắt đứt, nhưng một số tổ chức nhân đạo đã nỗ lực vận chuyển nhu yếu phẩm, thiết bị cứu hộ cần thiết tới những khu vực này để cứu trợ người dân và từng bước ghi nhận các thiệt hại. Theo thông tin ban đầu, mức độ tàn phá của bão Idai là vô cùng to lớn. Gần 90% diện tích của thành phố cảng Beira nơi cơn bão này tràn qua, bị tàn phá. Riêng trong ngày 17-3, một con đập lớn ở ngoại ô thành phố trên đã bị vỡ và cắt đứt con đường cuối cùng nối thành phố này với các địa phương lân cận.

Không chỉ tàn phá Mozambique, cơn bão Idai cũng gây ra những hậu quả to lớn khi đi qua các nước khác như Malawi, Zimbabwe. Theo ước tính của các cơ quan chính phủ và Hội Chữ thập đỏ, 1,5 triệu người đã bị ảnh hưởng do cơn bão nói trên.

Lũ hoành hành ở Indonesia và Mỹ

Giới chức Indonesia thông báo, tính tới ngày 19-3, ít nhất 80 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương sau trận lũ quét lịch sử tại tỉnh Papua, miền Đông nước này. Trước đó, giới chức tỉnh Papua cho biết, nguyên nhân xảy ra lũ quét tại Sentani, gần thủ phủ Jayapura của tỉnh Papua, là do những trận mưa lớn trong ngày 16-3. Chính quyền tỉnh Papua hiện đang tích cực chỉ đạo Sở Điện lực nỗ lực khôi phục điện phục vụ người dân đang phải sống tạm trong các lều trại, trường học và đặc biệt là các bệnh viện. Có 30 khu vực bị mất điện do lũ quét và hiện nay chính quyền địa phương đã khôi phục được 10 khu vực.

 Cũng tại Indonesia, đại diện Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (BNPB), ông Sutopo Purwo Nugroho ngày 19-3 đã cảnh báo đối với người dân và khách du lịch khi các cơ quan chức năng ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy 3 núi lửa gồm Bromo ở Đông Java, Agung ở Bali và Merapi ở Trung Java đang hoạt động trở lại. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân và khách du lịch không tới gần miệng núi lửa trong bán kính 1km. 

Tại Mỹ, tuyết tan và mưa lớn đã gây ra lũ lụt lịch sử cho một số bang khu vực Trung Tây làm 3 người chết và dẫn đến hàng ngàn cuộc sơ tán. Lũ lụt kỷ lục ở ít nhất 5 bang đã buộc chính quyền phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Một số cộng đồng dân cư bị cô lập với bên ngoài. Một hiện tượng thời tiết mà các nhà khoa học gọi là "cơn bão bom" cùng mưa tuyết đã buộc hàng triệu người Mỹ ở Iowa, Nebraska, Wisconsin, Minnesota và South Dakota phải sơ tán. Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cho biết, lũ lụt sẽ tiếp tục trên khắp các vùng của miền đồng bằng Trung Tây nước Mỹ đến hết tuần. Sông Missouri đã đạt mức cao kỷ lục ở một số địa điểm, bao gồm cả ở Iowa và Nebraska, nơi bị ảnh hưởng lũ nặng nề nhất. Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả lũ lụt hết sức nặng nề và cho biết Nhà Trắng đang giữ liên lạc chặt chẽ với quan chức các bang.

Thiệt hại do thảm họa thiên tai trên toàn cầu lên tới 160 tỷ USD trong năm 2018, ít hơn mức thiệt hại 360 tỷ USD trong năm 2017 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình hàng năm là 140 tỷ USD. 1/3 trong tổng số thiệt hại về thiên tai năm 2018 là ở Mỹ với 80 tỷ USD do cháy rừng và các cơn bão.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top