LHQ cảnh báo nguy cơ nội chiến dai dẳng tại Libya

15:28 - Thứ Tư, 22/05/2019 Lượt xem: 5821 In bài viết

Ngày 21-5, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Libya cảnh báo, quốc gia Bắc Phi này đang bên bờ vực của cuộc nội chiến có thể gây chia cắt lâu dài.

 

Binh sĩ trung thành với chính quyền Tripoli xuất hiện gần doanh trại quân đội đóng trong thành phố này. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu ý kiến trước Hội đồng Bảo an LHQ, ông Ghassan Salame cho rằng, sẽ mất nhiều năm để khắc phục thiệt hại cuộc chiến gây ra và chiến sự nên chấm dứt ngay lúc này.

Ông Salame cho biết, có quá nhiều người thiệt mạng và thiệt hại kể từ ngày 4-4, khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo mở cuộc tấn công nhằm vào thủ đô Tripoli. Theo Đặc phái viên LHQ, hậu quả và rủi ro của cuộc xung đột này đã rất rõ ràng, đặc biệt là đối với người Libya: hơn 460 người chết, trong đó 29 người là dân thường; hơn 2.400 người bị thương, phần lớn là dân thường; hơn 75 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, tất cả đều là dân thường; hơn một nửa số người di tản là phụ nữ và trẻ em.

Không những vậy, tình cảnh của người di cư và tị nạn tại Libya vốn đã kém thì nay càng trở nên tồi tệ hơn, gần 3.400 người di cư và tị nạn đang mắc kẹt trong các trung tâm giam giữ không được bảo vệ hoặc nằm gần các cuộc giao tranh. Nhiều cơ quan nhân đạo của LHQ đang chạy đua với thời gian để chuyển những người di cư và tị nạn dễ bị tác động nhất từ khu vực chịu ảnh hưởng của cuộc giao tranh tới địa điểm an toàn hơn.

Ông Salame lưu ý rằng, cuộc tấn công Tripoli bắt đầu diễn ra ngay trước thềm hội nghị quốc gia tại thành phố Ghadames, một sự kiện quan trọng trong tiến trình chính trị của Libya. “Chứng kiến những người đã nhiệt tình nhận lời mời của chúng tôi đến Ghadames bất ngờ cầm vũ khí chống lại nhau để tấn công hoặc bảo vệ thủ đô đã khiến tôi buồn tột độ vì cơ hội mất đi và hy vọng tiêu tan đúng 10 ngày trước khi hội nghị diễn ra”, ông Salame nói.

Ông Salame khẳng định, dù đã thu hẹp đội ngũ nhân viên không quan trọng ở Tripoli và Benghazi, nhưng nhân viên LHQ vẫn ở lại Libya cùng với người dân nước này để hỗ trợ họ ở mức tốt nhất có thể. Đến nay, hơn 42 nghìn người đã nhận viện trợ của LHQ.

Đặc phái viên nhắc lại, không có giải pháp quân sự cho tình hình Libya. Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ lập tức hành động, ủng hộ giải pháp chính trị thay vì bất cứ giải pháp quân sự nào.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top