Mỹ - Nhật Bản: Củng cố quan hệ đồng minh

08:31 - Thứ Ba, 18/06/2019 Lượt xem: 6505 In bài viết
Sau 2 tháng khởi động, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận quan trọng liên quan đến đàm phán thương mại song phương và tiến tới kết thúc quá trình này vào cuối tháng 7. Đây là lần đầu tiên hai bên đề ra khung thời gian cụ thể cho việc hoàn tất quá trình đối thoại về chủ đề có nhiều tranh cãi này, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017.

Mặc dù được đánh giá là luôn duy trì mối quan hệ đồng minh bền chặt nhất thế giới, nhưng không giống các đối tác chủ chốt khác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ và Nhật Bản chưa từng ký kết một hiệp định thương mại song phương nào trong suốt hơn 3 thập kỷ qua. Việc hai bên đạt thỏa thuận vào thời điểm này được đánh giá là khá thuận lợi cho Tổng thống Mỹ D.Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Từ khi nhậm chức vào tháng 1-2017, với mục tiêu làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại”, ông chủ Nhà Trắng có xu hướng xóa bỏ các thỏa thuận đa phương và ưu tiên thúc đẩy việc ký các văn bản hợp tác với từng quốc gia cụ thể, đặc biệt là những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. 

 

Tổng thống Mỹ D.Trump và Thủ tướng Nhật Bản S.Abe sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng này.

Chỉ trong hơn 2 năm nắm quyền, Tổng thống D.Trump đã hoàn tất Thỏa thuận Thương mại Mỹ, Mexico, Canada (USMCA), Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc. Nếu đạt được cam kết với Nhật Bản, ông D.Trump sẽ tiếp tục tạo được một dấu ấn mới trước cuộc bầu cử tổng thống bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới. Trong bối cảnh việc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang rơi vào bế tắc và các cuộc đối thoại về vấn đề này với Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa bắt đầu, Nhật Bản là mục tiêu tích cực mà Mỹ hướng tới nhằm hiện thực hóa cam kết cắt giảm mất cân bằng thương mại. 

Về phía Nhật Bản, bước tiến đạt được trong quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại sẽ giúp Thủ tướng S.Abe và đảng cầm quyền củng cố uy tín trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới. Như vậy, xứ Mặt trời mọc sẽ tránh được nguy cơ Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên các mặt hàng xe hơi và phụ tùng xe hơi như Tổng thống D.Trump từng cảnh báo.

Trước đó, người đứng đầu nước Mỹ đã bổ sung Khoản 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962 nhằm đánh thuế lên các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu từ các nước đồng minh vì lý do an ninh quốc gia. Nếu hai bên không đạt được cam kết, rất có thể ông D.Trump sẽ viện dẫn lý do thâm hụt thương mại với Nhật Bản để tăng thuế nhập khẩu lên xe hơi. Hiện nền kinh tế lớn thứ ba thế giới không chỉ là nước xuất khẩu hàng đầu sang thị trường Mỹ, mà còn là một nguyên nhân gây ra tình trạng thâm hụt thương mại lớn cho xứ Cờ hoa. Theo số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ cung cấp, thâm hụt của nước này trong giao dịch thương mại với Nhật Bản tháng 4-2019 vào khoảng 7,2 tỷ USD. 

Được biết, trong nội dung đàm phán, Tokyo sẵn sàng giảm thuế đối với một số mặt hàng nông sản của Mỹ xuống mức tương đương thuế suất ưu đãi của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đổi lại, Mỹ chấp nhận giảm thuế áp lên hàng hóa công nghiệp của Nhật Bản, trong đó có xe hơi và phụ tùng. Ngoài ra, Nhật Bản có thể giảm ngay thuế nhập khẩu áp lên thịt bò Mỹ từ 38,5% xuống còn 25,8% nếu thỏa thuận thương mại song phương có hiệu lực từ tháng 4-2020.

Dự kiến, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào ngày 28 và 29-6 tới tại Osaka (Nhật Bản), Tổng thống D.Trump và Thủ tướng S.Abe sẽ có cuộc gặp song phương. Đây là thời điểm hai nhà lãnh đạo đưa ra quyết định chính thức về một loạt vấn đề liên quan tới quan hệ hai nước, trong đó có thỏa thuận thương mại nhằm khẳng định lòng tin cũng như củng cố sự gắn kết giữa hai đồng minh ở hai bờ Thái Bình Dương.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top