Thời tiết cực đoan hoành hành châu Á

09:15 - Thứ Sáu, 05/07/2019 Lượt xem: 5851 In bài viết

Trong khi mùa hè nắng nóng tại Ấn Độ năm nay được xem là có mức nhiệt trung bình cao hơn nhiều năm trước, thì tại Nhật Bản và Trung Quốc mưa lũ diện rộng đã gây thiệt hại lớn. Thời tiết cực đoan tại châu Á năm 2019 ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu còn được xem là do hiện tượng El Nino gây ra, có thể kéo dài đến tháng 11-2019.

 

Cứu hộ người bị mắc kẹt do mưa lũ ở miền Nam Nhật Bản.

Nhật Bản: Bão lũ, hơn 1 triệu người sơ tán

Theo CNN, các quan chức địa phương Nhật Bản cho biết hơn 1 triệu người ở miền Nam Nhật Bản đã được lệnh sơ tán khi khu vực này bị mưa lớn với lượng mưa kỷ lục. Đảo Kyushu của Nhật Bản, nơi có 13,3 triệu cư dân, có lượng mưa hơn 300mm tại nhiều địa điểm vào ngày 4-7. Đó là lượng mưa trung bình gần bằng lượng mưa của cả tháng 7 (319mm). Tại Kagoshima, ở tỉnh Kagoshima, trên đảo Kyushu, đã chứng kiến lượng mưa kỷ lục, với hơn 460mm chỉ trong 24 giờ. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết một số địa điểm trong tỉnh, nơi có dân số 1,6 triệu người, có nguy cơ sạt lở và lũ lụt. Các quan chức đang thúc giục cư dân rời khỏi khu vực, nhưng cho đến nay các nhà chức trách ước tính rằng chỉ có hơn 1.700 trong tổng số hơn 1 triệu người được khuyên sơ tán.

Sau cuộc họp nội các hôm 3-7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tweet rằng thêm 14.000 nhân viên từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã được triển khai để hỗ trợ ứng cứu khẩn cấp tại các khu vực bị ảnh hưởng. Ngoài ra, lở đất đã vùi lấp một số ô tô và một ngôi nhà khiến 1 phụ nữ khoảng 80 tuổi mất tích tại tỉnh Kagoshima. Mưa lớn cũng làm gián đoạn hoạt động của tuyến tàu điện Kyushu và buộc hơn 150 trường học phải tạm đóng cửa.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hối thúc người dân luôn ở trong trạng thái sẵn sàng, đồng thời cho biết có thể sẽ đưa ra cảnh báo khẩn cấp do mưa lũ tại những nơi bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng thuộc các tỉnh Kagoshima và Kumamoto. Từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7, Nhật Bản bước vào cao điểm mùa mưa. Tại Trung Quốc, ngày 3-7, một cơn bão mạnh đã đổ bộ vào thành phố Khai Nguyên, tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Bắc Trung Quốc, khiến 6 người thiệt mạng và hơn 190 người bị thương.

Nắng nóng ở Ấn Độ

Những đợt nắng nóng dữ dội đã làm chết hơn 100 người ở Ấn Độ vào mùa hè này và được dự báo tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra khi phần lớn đất nước này đều có nhiệt độ quá cao. 

Làn sóng nhiệt ở Ấn Độ thường diễn ra trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 và giảm dần khi có gió mùa. Nhưng trong những năm gần đây, những đợt nóng này đã trở nên dữ dội hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Ấn Độ là một trong những quốc gia dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết, ngay cả khi thế giới thành công trong việc cắt giảm khí thải carbon, hạn chế sự gia tăng về nhiệt độ trung bình toàn cầu, các khu vực của Ấn Độ vẫn sẽ trở nên nóng đến mức vượt giới hạn để con người có thể sống sót. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố tình trạng nắng nóng khi nhiệt độ đạt ít nhất cao hơn bình thường 4,5°C tại khu vực đó trong ít nhất 2 ngày. 

Vào tháng 6, thủ đô New Delhi đã đạt nhiệt độ 48°C, mức cao nhất từng được ghi nhận trong tháng đó. Phía Tây thủ đô, gần như phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của cả Ấn Độ với nhiệt độ cao 50,6°C. Tiểu bang nghèo nhất Ấn Độ, Bihar, đã đóng cửa tất cả các trường học và trung tâm huấn luyện trong 5 ngày sau khi nắng nóng làm hơn 100 người thiệt mạng. Việc đóng cửa đi kèm với các cảnh báo ở trong nhà vào thời điểm nóng nhất trong ngày, một mệnh lệnh không thực tế đối với hàng triệu người cần làm việc ngoài trời để kiếm tiền. Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đang hợp tác với các sở y tế nhà nước để tạo ra một hệ thống cảnh báo sớm sẽ thông báo cho hàng triệu người bằng cách nhắn tin về cách giữ mát, khi sóng nhiệt ập đến.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top