Thủ tướng Pakistan thăm Mỹ: “Hâm nóng” mối quan hệ đối tác

09:21 - Thứ Sáu, 26/07/2019 Lượt xem: 7137 In bài viết
Chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới Mỹ vừa qua của Thủ tướng Pakistan Imran Khan được giới phân tích xem là tín hiệu tích cực, có thể đưa quan hệ Washington - Islamabad quay trở lại khuôn mẫu đồng minh vốn đã bị sứt mẻ lâu nay.

Những năm qua, Mỹ đã hỗ trợ Pakistan rất nhiều trong việc xây dựng quân đội, phát triển kinh tế, cũng như thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố tại nước láng giềng Afghanistan. Tuy nhiên, thời gian gần đây Mỹ tỏ ra lo ngại đối với sự trung thành của đối tác này. 

 

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Pakistan và người đứng đầu Nhà Trắng sẽ là tiền đề quan trọng để Islamabad và Washington củng cố quan hệ đối tác.

Pakistan nhiều lần bác bỏ cáo buộc và khẳng định đã chi hàng tỷ USD nhằm đối phó với những phần tử cực đoan. Theo quan điểm của Islamabad, việc Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự, hạ tầng và thông tin tình báo miễn phí ở Pakistan suốt nhiều năm qua là thực tế không thể đảo ngược. Những chỉ trích và hoài nghi của Mỹ về Pakistan là điều không giống đối với một nước đồng minh.

Nguyên nhân dẫn tới thái độ thân thiện hơn của Mỹ đối với Pakistan ngay trước thềm chuyến thăm chính là sức ảnh hưởng của Islamabad đối với Taliban, yếu tố then chốt giúp Washington kết thúc 19 năm hiện diện quân sự tại Afghanistan. Hiện nay, Mỹ đang muốn đạt được thỏa thuận chính trị với Taliban trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tại Afghanistan vào tháng 9-2019. Khi đã giải quyết tốt vấn đề quan hệ với Taliban, Mỹ sẽ triển khai những kế hoạch phục vụ lợi ích an ninh và địa chính trị của mình tại Afghanistan. 

Trong khuôn khổ cuộc gặp giữa Thủ tướng Imran Khan và Tổng thống Donald Trump, hai nhà lãnh đạo luôn bày tỏ nguyện vọng muốn tìm kiếm một lối đi chung, nhằm củng cố quan hệ. Ông chủ Nhà Trắng tỏ thái độ khá mềm mỏng với Thủ tướng Imran Khan, thậm chí còn đề cập tới việc khôi phục gói viện trợ 3,1 tỷ USD đã cắt trước đó nếu Pakistan có những chính sách phù hợp.

Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh tới vai trò trung gian của Pakistan trong vấn đề Taliban, cho rằng điều đó sẽ giúp tránh được một cuộc chiến có thể khiến “10 triệu người thiệt mạng và Afghanistan bị xóa sổ khỏi trái đất”. Đáp lại, Thủ tướng Pakistan khẳng định sẽ gặp các đại diện của Taliban để thuyết phục tổ chức này hòa đàm với Chính phủ Afghanistan. 

Theo các nhà phân tích, Pakistan và Mỹ luôn có xu hướng xích lại gần nhau. Do nằm ở vị trí chiến lược tại Nam Á, giữa hai cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ, Pakistan luôn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ. Nói cách khác, Washington không thể không xây dựng mối quan hệ với Islamabad để thực hiện các kế hoạch của mình. Nếu Pakistan ngả về phía các cường quốc khác, sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cũng sẽ suy yếu. Đây là lý do vì sao Pakistan từng là một trong 16 quốc gia được Mỹ coi là đồng minh chủ chốt, với những khoản viện trợ có tổng giá trị hơn 33 tỷ USD (kể từ năm 2002 tới nay). 

Về phần mình, Pakistan vẫn luôn cần Mỹ trong vai trò bảo hộ các nguồn tài trợ từ phương Tây, điển hình là việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong đầu tháng 7 này đã phê duyệt khoản vay trị giá 6 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế của Pakistan. Mặt khác, Mỹ còn mang lại cho Pakistan sự hỗ trợ rất hiệu quả về mặt an ninh quốc phòng, đặc biệt là khả năng tiếp cận các khí tài quân sự hiện đại. Vì thế, Islamabad lâu nay luôn thể hiện quan điểm muốn khôi phục lại quan hệ với Washington, vốn bị sứt mẻ sau vụ trùm khủng bố Osama Bin Laden bị phát hiện trên lãnh thổ Pakistan.

Có thể thấy, mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Pakistan là mối quan hệ lợi ích, gắn bó lâu năm. Chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Pakistan Imran Khan được đánh giá là bước ngoặt, nhằm "hâm nóng" mối quan hệ đối tác chiến lược đã có lúc tưởng chừng đổ vỡ.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top