Nam Á trước mối lo xung đột mới

08:38 - Thứ Ba, 06/08/2019 Lượt xem: 5428 In bài viết
Niềm hy vọng về việc Ấn Độ và Pakistan có thể ngồi lại cùng nhau để dàn xếp cuộc xung đột biên giới kéo dài hơn 70 năm qua khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng lại thêm một lần đứng trước thử thách.

Những ngày gần đây, căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng liên tục leo thang một cách đáng lo ngại. Ngày 5-8, nhà chức trách khu vực Kashmir nằm dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ đã áp đặt tình trạng giới nghiêm tại vùng lãnh thổ tranh chấp này và tăng cường gần 30.000 quân tới khu vực biên giới với Pakistan.

 

Ấn Độ đã tăng cường thêm gần 30.000 binh sĩ tới đường ranh giới với Pakistan tại Kashmir trong vòng 2 tuần qua.

Quyết định được đưa ra sau khi quân đội Ấn Độ thông báo đã phá một âm mưu xâm nhập qua ranh giới kiểm soát (LoC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Quân đội Ấn Độ cho biết đã tiêu diệt 5-7 đối tượng xâm nhập tại khu vực Keran thuộc huyện Kupwara, cách Srinagar - thủ phủ mùa hè của khu vực Kashmir - khoảng 130km về phía Tây Bắc. Trong khi đó, Pakistan đã bác bỏ thông tin trên, đồng thời cáo buộc quân đội Ấn Độ sử dụng bom chùm ở đường ranh giới hai nước nhằm vào thường dân làm 2 người thiệt mạng và 11 người bị thương nặng.

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Pakistan Imran Khan chỉ trích những hành động của Ấn Độ “có nguy cơ thổi bùng khủng hoảng khu vực”.

Xét một cách toàn diện, nguyên nhân của những mâu thuẫn dai dẳng giữa Ấn Độ và Pakistan bắt nguồn từ góc độ lịch sử. Dưới thời thuộc địa Anh, tiểu lục địa Ấn Độ được chia thành hơn 500 vương quốc lớn nhỏ do các ông hoàng bản địa lãnh đạo về hình thức, còn quyền lực thực sự do người Anh nắm giữ.

Vào tháng 8-1947, Anh quyết định trao trả độc lập cho vùng Nam Á theo Kế hoạch Mounbatten, chia khu vực này thành 2 quốc gia độc lập là Ấn Độ với phần lớn dân số là những người theo đạo Hindu và Pakistan có đa số người dân là tín đồ Hồi giáo. Năm 1949, Liên hợp quốc đã thiết lập LoC phân chia khu vực Kashmir thành 2 phần, trao cho Ấn Độ và Pakistan cùng kiểm soát.

Tuy nhiên, có một vấn đề hiện vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo. Đó là những người Hồi giáo sinh sống ở khu vực Kashmir thuộc phần kiểm soát của Ấn Độ lại không muốn nằm dưới quyền lãnh đạo của người Hindu. Một số người cho rằng họ bị phân biệt đối xử khi di cư tới những khu vực khác của Ấn Độ.

Trong khi đó, với lý do ủng hộ những người Hồi giáo anh em ở phía bên kia LoC, nhiều nhóm vũ trang đã được thành lập tại phần lãnh thổ của Pakistan để thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào người Hindu, nối dài những thù hận giữa hai tôn giáo. Đây là vấn đề cốt lõi khiến các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp giữa hai bên cho tới nay vẫn bế tắc.

Trong bối cảnh như vậy, vụ tấn công khủng bố nhằm vào chiếc xe buýt chở binh sĩ bán quân sự Ấn Độ ở khu vực Kashmir hôm 14-2-2019 khiến 40 người thiệt mạng được ví như mồi lửa thổi bùng những mâu thuẫn âm ỉ giữa hai quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Cáo buộc Islamabad đứng sau vụ đánh bom, New Delhi đã tiến hành hàng loạt hành động đáp trả như xóa bỏ ưu đãi tối huệ quốc đối với Pakistan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đập ở thượng nguồn sông Ấn, đưa chiến đấu cơ không kích các cơ sở của các tay súng Hồi giáo cực đoan trên đất Pakistan...

Ở chiều ngược lại, Islamabad lập tức bắn hạ 2 máy bay quân sự Ấn Độ đang làm nhiệm vụ không kích các nhóm vũ trang ở bang Kashmir, điều động thêm 5 đơn vị tên lửa đất đối không LY-80 (HQ-16) và radar cảnh giới đường không IBIS-150 cùng nhiều máy bay không người lái tới sát LoC nhằm răn đe quốc gia láng giềng.

Sự gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ vốn nhiều khúc mắc giữa Ấn Độ và Pakistan đang đặt cả hai nước trên “con dốc trơn”. Bởi thực tế, việc gia tăng quân sự hóa cuộc xung đột sẽ chỉ làm suy yếu khả năng đạt được một giải pháp thông qua đàm phán, trong khi bạo lực nếu tiếp tục cũng sẽ khiến vòng xoáy xung đột tăng lên những cấp độ mới.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top