Bằng chứng mới về thảm họa hạt nhân trên Thái Bình Dương

09:09 - Thứ Sáu, 09/08/2019 Lượt xem: 6649 In bài viết
Vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX, Mỹ đã tiến hành một loạt các vụ thử nghiệm hạt nhân tại khu vực Thái Bình Dương, theo đánh giá đã gây ra những thảm họa phóng xạ đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại.

Cho đến ngày nay, những hòn đảo từng được sử dụng làm bãi thử hạt nhân của Mỹ vẫn đo được mức phóng xạ cao hơn cả Fukushima và Chernobyl. Những nghiên cứu khách quan mới nhất của các nhà khoa học Mỹ tại Bikini và một số đảo san hô khác đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của thảm họa này.

 

Đầu đạn hạt nhân được cho nổ trong vụ thử nghiệm Castle Bravo.

Năm 1945, Mỹ đã chế tạo và cho nổ 3 đầu đạn hạt nhân trong khuôn khổ dự án Manhattan. Đầu tiên chính là quả bom plutonium trong vụ thử nghiệm “Trinity” vào ngày 16-7-1945 tại bang New-Mexico. Hai quả tiếp theo như đã biết được ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagashaki của Nhật Bản vào hai ngày 6 và 9-8. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ tiếp tục đẩy nhanh quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân dưới sự điều hành của Ủy ban Năng lượng nguyên tử.

Chưa đầy một năm sau  “Trinity”, người Mỹ tiến hành hai vụ thử nghiệm tiếp theo trong khuôn khổ chiến dịch Crossroads tại đảo san hô Bikini, nằm trong khu vực quần đảo Marshall. Hai quả bom Able và Baker đầu tiên được cho nổ tại đây đã bắt đầu một giai đoạn của hàng loạt những vụ thử hạt nhân tại khu vực các đảo san hô Bikini và Enewetak, là nguyên nhân gây ra thảm họa nhiễm xạ trầm trọng tại Thái Bình Dương.

Cụ thể là vụ nổ quả bom Baker đã được gọi là thảm họa hạt nhân đầu tiên trên thế giới, do đã làm nhiễm xạ cho cư dân địa phương, còn đám mây phóng xạ từ vụ nổ đã lơ lửng suốt nhiều ngày trước khi tan trên bầu trời tại đây.

Tính ra tại khu vực các đảo san hô trên, Washington đã cho tiến hành khoảng 6% các thử nghiệm hạt nhân trong giai đoạn 1946-1994 (67 trên tổng số 1.054 vụ).

Tuy nhiên, nếu tính về cường độ năng lượng hạt nhân được giải phóng, khu vực này phải hứng chịu tới hơn một nửa, tương đương 108,5 trong tổng số 196 megaton thuốc nổ (mỗi megaton bằng 1 triệu tấn). Riêng đảo Bikini phải hứng chịu mức năng lượng tới 77 megaton.

Từ trước đó, dân cư bản địa tại Bikini và Enewetak đã được di dời tới những hòn đảo khác, cho dù được đánh giá có điều kiện sinh sống kém thuận lợi hơn. Cho dù vậy, họ được đánh giá là không thoát khỏi ảnh hưởng của những cơn mưa phóng xạ, đặc biệt là sau vụ thử nghiệm bom khinh khí hủy diệt Castle Bravo vào ngày 1-3-1954. Khi đó, hòn đảo san hô Bikini là nơi thử nghiệm của vụ nổ công suất lên tới 15 megaton, cho tới giờ vẫn là vụ thử nghiệm hạt nhân cường độ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Người dân sinh sống tại những khu vực thử nghiệm hạt nhân phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Cư dân từng sinh sống trên đảo Enewetak đã được chuyển tới đảo san hô Ujelang vào năm 1947, mãi tới năm 1980 mới được trở về nhà, sau một chiến dịch khử phóng xạ quy mô lớn tại đây. Hiện trên đảo Enewetak đang có vài trăm người sinh sống.

Còn cư dân tại Bikini từ năm 1946 được chuyển tới hòn đảo có điều kiện sinh sống khó khăn hơn nhiều Rongerik. Do nơi đây không có các nguồn thực phẩm ổn định, họ buộc phải di cư lần nữa tới đảo Kwajalein và sau đó là đảo Kili.

Ngay cả hòn đảo cuối này cũng không có các đầm nước nên rất bất tiện cho sinh hoạt. Điều này khiến nhiều người Bikini đã đánh liều quay trở về quê hương vào cuối những năm 1960, bất chấp việc cơ thể họ bị nhiễm cường độ phóng xạ cao. Hiện tại, Bikini còn rất ít cư dân bám trụ tại đây.

Tại đảo san hô Rongelap, nằm cách Bikini 152km, cư dân địa phương phải hứng chịu mức nhiễm xạ cao chỉ vài giờ sau vụ thử nghiệm Castle Bravo, khi họ chỉ được di tản 3 ngày sau vụ nổ.

Quay trở về đảo 3 năm sau đó, đến năm 1985, họ lại được tổ chức Greenpeace di chuyển tới đảo Mezato, nơi lần lớn cư dân vẫn định cư cho tới nay. Phải đón nhận ảnh hưởng tương tự là cư dân trên đảo Utirik khi họ cũng chỉ được di tản 2 ngày sau vụ nổ của Castle Bravo.

Sau khi hoàn tất một loạt các cuộc thử nghiệm, Ủy ban Năng lượng nguyên tử, và sau đó là Bộ năng lượng Mỹ đã tiến hành hàng chục cuộc nghiên cứu để đánh giá tình trạng nhiễm xạ trên các hòn đảo, cũng như ảnh hưởng của chúng đối với cư dân địa phương. Tuy nhiên, nhiều người dân trên khu vực quần đảo Marshall tỏ ra không tin tưởng với những kết quả được công bố.

Đó là lý do khiến các nhà khoa học từ Trường Đại học Tổng hợp Columbia mới đây đã tổ chức một số chương trình nghiên cứu bổ sung trên các hòn đảo Bikini, Enewetak, Rongelap và Utirik; cũng như một số hòn đảo không có cư dân sinh sống nhưng thổ dân vẫn thường ghé để kiếm thức ăn. Cụ thể họ đã cho đo mức độ phóng xạ trong đất, kể cả 3 loại đồng vị của plutonium (plutonium 238, 239 và 240).

Kết quả cho thấy trên đảo Enewetak, mức độ bức xạ gamma trung bình là 0,69 mili sievert(mSv), trong khi chỉ số cực đại có lúc là 2,72.

Còn tại đảo Bikini, chỉ số trung bình là 1,91 mSv. Tính ra, trên các hòn đảo Bikini và Rongelap, mức độ phóng xạ vẫn vượt quá ngưỡng an toàn đối với con người. Tính phóng xạ các đồng vị plutonium tại Bikini thậm chí còn cao hơn đáng kể so với chỉ số đo trên đất xung quanh nhà máy điện nguyên tử Fukushima.

Thậm chí ngay trong những tháng đầu tiên của sự cố tại đây, chỉ số nhiễm xạ tại đây còn thấp hơn từ 10 đến 100 lần so với khu vực phía bắc quần đảo Marshall. Theo các nhà khoa học, họ rất lấy làm ngạc nhiên khi Chính phủ Mỹ và các tổ chức quốc tế đã bỏ qua vấn đề này.

Theo các nhà nghiên cứu, cư dân sinh sống tại phía nam của đảo san hô Enewetak chưa chắc chắn phải hứng chịu những liều phóng xạ cao. Tuy nhiên họ cần phải biết rằng, tốt nhất nên tránh đặt chân tới đảo Runit và tất cả các hòn đảo phía bắc.

Với xu hướng nước biển dâng cao khi nhiệt độ trung bình tăng lên, các đồng vị phóng xạ có nguy cơ sẽ phát tán ra biển ngày càng nhiều, đe dọa lây nhiễm cho các vùng vịnh và đại dương quanh đây. Còn bản thân đảo Bikini hiện vẫn được đánh giá là không thích hợp cho việc sinh sống, do mức độ nhiễm phóng xạ tại đây vẫn còn quá cao.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top