Cuộc đua giành ảnh hưởng

15:00 - Thứ Năm, 15/08/2019 Lượt xem: 5175 In bài viết

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 14-8 thăm Tuvalu, một trong 14 đảo quốc ở Thái Bình Dương (TBD). Chuyến thăm diễn ra sau khi ông thông báo khoản tài trợ 500 triệu USD chống biến đổi khí hậu cho các đảo quốc TBD.

 

Thủ tướng Australia Scott Morrison.

Thủ tướng Morrison luôn muốn khẳng định vai trò của Australia với các đảo quốc TBD không chỉ qua việc hỗ trợ chống biến đổi khí hậu. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Diễn đàn quần đảo TBD khai mạc ngày 13-8. Báo The Guardian cho rằng sự hiện diện của Thủ tướng Australia tại diễn đàn là điều khích lệ. Lãnh đạo các đảo quốc TBD nhân cơ hội này kêu gọi Australia nhanh chóng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo thay vì than.

Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama, người chủ trì các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2017, đã trực tiếp kêu gọi Australia chuyển từ than đá sang các nguồn năng lượng không góp phần vào biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, phía Australia, vốn đang có ngành công nghiệp khai thác than đá thuộc loại lớn trên thế giới, chỉ cam kết đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định khí hậu Paris và sẽ sử dụng các khoản tín dụng để giúp các đảo quốc TBD đương đầu với biến đổi khí hậu mà không cam kết đóng cửa các mỏ than đá. Năm 2016, Australia là nước khai thác than đá lớn thứ tư thế giới và là nước xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới (chiếm 32% tổng lượng than xuất khẩu toàn cầu).

Theo The Guardian, điều này cho thấy liên minh cầm quyền ở Australia vẫn chưa đánh giá đúng sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ngay cả khi phải đàm phán với các quốc đảo nhỏ có nguy cơ cao nhất về khả năng bị nước biển nhấn chìm do biến đổi khí hậu.

Trong nhiều thập niên, Australia là nước viện trợ nhiều nhất cho các đảo quốc TBD, một phần do không chỉ có vị trí địa lý gần với các đảo quốc này mà còn gần gũi về chủng tộc.

Theo cuộc điều tra dân số năm 2016, gần 206.700 người ở Australia khai tổ tiên của họ ở các đảo quốc TBD. Nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng nổi lên như một người chơi lớn trong khu vực mặc dù dân số khu vực này chỉ hơn 10 triệu người, cách xa Bắc Kinh gần chục ngàn km và tổng GDP của các đảo quốc này chưa bằng 1% GDP của Trung Quốc. Nhưng điều đó đã không ngăn được Bắc Kinh đổ tiền vào xây dựng cầu, đường và sân bay.

Theo viện nghiên cứu chính sách Lowy (có trụ sở tại Sydney), trong khi Australia viện trợ thông qua các khoản tài trợ mà các đảo quốc này không có nghĩa vụ trả nợ, phần lớn chi tiêu của Trung Quốc ở các đảo quốc TBD dưới dạng các khoản cho vay. Trong số 14 đảo quốc TBD, 6 đảo quốc được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là có nguy cơ vỡ nợ. Một số nhà phân tích lo ngại ảnh hưởng của Australia với các đảo quốc TBD đang bị đe dọa.

Cũng vì lẽ đó, so với những người tiền nhiệm, Thủ tướng Australia Morrison đặt ưu tiên cao hơn trong quan hệ với các đảo quốc TBD. Ông đã công bố một quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 1,5 tỷ USD cho khu vực này vào tháng 11-2018. Ngoài ra, 3/5 tuyến thương mại hàng hải chính của Australia đi qua TBD.

CNN nhận định: Ngay cả khi Trung Quốc không đe dọa các tuyến đường này, sự hiện diện của họ có thể khiến Australia gặp phải các vấn đề trong tương lai và có thể có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Australia.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top