Châu Âu khước từ đề nghị đàm phán lại Brexit của Anh

09:35 - Thứ Sáu, 23/08/2019 Lượt xem: 6651 In bài viết
Lãnh đạo Đức và Pháp, “đầu tàu” của Liên minh châu Âu (EU), cùng bác bỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận Brexit, đồng thời cho Chính phủ Anh 30 ngày cuối cùng để tháo gỡ bế tắc, hoặc là London sẽ rời khối mà không có văn kiện nào được ký.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 21 và 22-8 có chuyến công du quan trọng tới Đức và Pháp nhằm thuyết phục các nước châu Âu thay đổi quan điểm về thỏa thuận Anh rời EU, còn gọi là thỏa thuận Brexit, mà hai bên đạt được tháng 11 năm ngoái dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May, từ đó tìm lối ra cho việc chính thức kí kết văn kiện này, theo Reuters. 

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo tối 21-8.

Tuy nhiên, ngoài việc được tiếp đón lạnh nhạt, ông Johnson cũng không nhận được cái gật đầu nào của các nhà lãnh đạo châu Âu.

Tại thủ đô Berlin, điểm đến đầu tiên của chuyến công du, ông Johnson ngày 21-8 nhắc lại yêu cầu của Anh với Thủ tướng Merkel rằng, điều khoản “chốt chặn” nhằm ngăn xây dựng đường “biên giới cứng” giữa Bắc Ireland thuộc Anh và nước Cộng hòa Ireland phải được gỡ bỏ hoàn toàn khỏi thoả thuận Brexit và nếu EU chấp nhận nhượng bộ, Anh sẽ làm mọi cách để hai bên cùng thông qua thoả thuận mới trước ngày 31-10. Nếu không, Anh sẽ rời EU mà không có thoả thuận.

Đáp lại tuyên bố của ông Johnson, Thủ tướng Đức đã trả lời rõ ràng: “Châu Âu không đàm phán lại thỏa thuận Brexit”. Bà Merkel cho hay, London và Brussels từng cam kết sẽ tìm ra giải pháp trong 2 năm (2016-2018) nhưng thất bại. “Hi vọng, chúng ta sẽ tìm được trong 30 ngày tới”, bà Merkel nói, nhấn mạnh đây là nỗ lực cuối cùng cho cả hai trong việc tìm kiếm thỏa thuận Brexit.

Dù cứng rắn, nhưng theo Guardian, cách tiếp cận của bà Merkel cũng phần nào thể hiện sự nhân nhượng, khi bà thông báo Đức sẵn sàng làm việc với phía Anh trong quãng 30 ngày sắp tới này để tìm một “giải pháp thiết thực” cho vấn đề biên giới Bắc Ireland được nêu trong điều khoản “chốt chặn” của thỏa thuận hiện có.

Cả Anh và Đức chưa nói rõ phương án đó là gì và tính khả thi của nó. Trong phát ngôn riêng với báo giới cùng ngày, Thủ tướng Anh thông báo, ông chấp nhận thời hạn của Đức và bày tỏ lạc quan về khả năng tìm được giải pháp thay thế, điều mà chính phủ tiền nhiệm của bà Theresa May không tiến hành.

Tuy vậy, kỳ vọng của ông Johnson đã phần nào bị dập tắt, khi chỉ ít giờ sau cuộc gặp Merkel - Johnson tại Berlin, từ thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay tối 21-8 đã cảnh báo, châu Âu sẽ vẫn giữ nguyên đòi hỏi về việc phải có điều khoản “chốt chặn” nhằm tránh làm tổn hại đến tiến trình hoà bình trên đảo Ireland, đồng thời tuyên bố, “nếu Anh rời khỏi EU vào ngày 31-10 mà không có thoả thuận thì đó là lỗi của Anh”.

Tại cuộc gặp song phương diễn ra ngày 22-8, Tổng thống Pháp một lần nữa thể hiện thái độ cứng rắn khi khẳng định, Paris muốn vấn đề Brexit khép lại càng sớm càng tốt và khước từ ý định viết lại thỏa thuận của London.

Chính phủ của ông Macron cho rằng, EU sẽ đối mặt một cuộc khủng hoảng kéo dài nếu vấn đề Anh ra đi không được giải quyết dứt điểm. Nhà lãnh đạo Pháp cũng cảnh báo, London nên cân nhắc kĩ về khả năng rời EU không thỏa thuận bởi “một thỏa thuận khác với Mỹ sẽ không thể bù đắp cái giá cho một tiến trình Brexit cứng”.

Giới chuyên gia nhận định, trong trường hợp Đức và Anh tìm ra phương án giải quyết điều khoản “chốt chặn”, Pháp và các nước châu Âu còn lại có thể sẽ cân nhắc chấp nhận nó để tránh cú “sốc” cho nền kinh tế toàn khu vực trước việc Anh rời đi.

Tuy vậy, khả năng này là không cao bởi sau 2 lần lùi thời hạn Brexit từ ngày 29-3 đến ngày 31-10 và 3 lần Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit, hạn chót cho việc London phải ra đi sẽ không thể trì hoãn thêm nữa. Hiện, các nước châu Âu và Anh đều nghiêng về kịch bản London ra đi “tay trắng”.

Trước hết, đó là vì Brexit không thoả thuận là lí do mà ông Boris Johnson, người mang quan điểm “Brexit cứng”, được chọn làm Thủ tướng Anh. Thứ hai, EU hiểu rằng nếu họ quá nhượng bộ Anh thì việc này sẽ tạo tiền lệ xấu, khiến khối đánh mất vị thế và khả năng răn đe các thành viên khác muốn “dứt áo ra đi” trong tương lai.

Trước viễn cảnh “Brexit cứng”, cả Anh và châu Âu hiện đều có những động thái gấp rút chuẩn bị. Tuần trước, EU nói chung và các thành viên chủ chốt như Pháp, Đức nói riêng thông báo đã xây dựng hơn 50 bộ luật và quy định tạm thời, được gọi là thoả thuận bên lề (side deals), nhằm phần nào giải quyết vấn đề pháp lý đối với công dân Anh sinh sống ở EU và công dân EU lưu trú tại Anh.

Từ London, chính phủ mới của ông Johnson cũng quyết định chi thêm 2,6 tỷ USD cho mục đích tích trữ dược phẩm, tuyển thêm lực lượng biên phòng và trang trải cho chiến dịch tuyên truyền hậu Brexit. Với khoản ngân sách mới này, Bộ Tài chính Anh sẽ phải giải ngân tới 7,6 tỷ USD cho việc rời EU nếu không đạt thỏa thuận.

Điều khoản “chốt chặn” là đề xuất của Brussels, được Chính phủ Anh và 27 nước thành viên còn lại của EU đưa vào thỏa thuận Brexit ký tháng 11-2018 nhằm loại bỏ khả năng thiết lập một đường “biên giới cứng” với những trạm kiểm soát hải quan hoặc thậm chí vũ trang ngăn cách vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.

Các nước châu Âu lo ngại nguy cơ tái bùng phát xung đột giữa người Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland nếu các tranh cãi liên quan đến đường biên giới một lần nữa nổ ra. Tuy nhiên, điều khoản này lại buộc Anh phải tuân thủ một số quy định thuế quan và thị trường của EU cho tới khi hai bên đạt được một thỏa thuận thay thế trong tương lai.

Phần lớn nghị sĩ Hạ viện Anh phản đối điều khoản “chốt chặn” này vì cho rằng nó khiến London mãi mãi mắc kẹt với EU và đã 3 lần bỏ phiếu không thông qua thỏa thuận, đẩy tiến trình Brexit vào bế tắc. 

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top