“Bóng ma” súng đạn ở Mỹ: Ác mộng chưa có hồi kết

09:23 - Thứ Sáu, 20/09/2019 Lượt xem: 9902 In bài viết

Thời gian gần đây, các vụ xả súng xảy ra liên tiếp khiến xã hội Mỹ trở nên bất ổn. Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy, không một quốc gia nào trên thế giới phải đối mặt với tỉ lệ bạo lực súng đạn cao như Mỹ.

Súng đạn ngày càng phổ biến ở Mỹ, dần trở thành một dạng “bóng ma” đầy ám ảnh.

Bất chấp mọi nỗ lực thắt chặt các quy định kiểm soát, súng đạn dường như ngày càng phổ biến ở Mỹ. Trong bối cảnh “xứ cờ hoa” vẫn chưa thể thông qua hai dự luật kiểm soát súng đạn đã được Hạ viện nhất trí từ tháng 2-2019, thứ vũ khí chết người này đang dần trở thành một dạng “bóng ma” đáng sợ và đầy ám ảnh.

Bóng ma ám ảnh

Ngày 31-8 (giờ địa phương), một vụ xả súng đã khiến hai thành phố Midland và Odessa rung chuyển, cướp đi sinh mạng của 5 người và làm bị thương hàng chục người khác.

Trước đó chưa đầy một tháng, trong vòng 13 tiếng đã diễn ra hai vụ xả súng đẫm máu, lần lượt tại siêu thị Walmart ở thành phố El Paso (Texas), khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và khoảng 40 người bị thương, và tại khu giải trí ở Dayton, bang Ohio khiến 36 nạn nhân đổ máu. Những vụ việc mới nhất này đã phản ánh mức độ nguy hiểm tăng rất nhanh của vấn nạn súng đạn ở Mỹ.

Tính từ đầu năm đến nay, tại Mỹ đã xảy ra gần 260 vụ xả súng, cướp đi sinh mạng của hơn 500 người và làm bị thương ít nhất 2.000 người. Những con số này có thể tiếp tục tăng khi còn 4 tháng nữa mới hết năm 2019.

Trước năm 2000, khoảng cách giữa những vụ xả súng lên đến 6 tháng. Thế nhưng, khoảng cách này ngày càng thu hẹp khi hiện nay, trung bình cứ 5-6 tuần lại xảy ra một vụ tấn công. Độ tuổi những tay súng của Mỹ đang trẻ hóa khi xuất hiện những thanh niên chỉ mới ngoài 20 tuổi, trong khi đó địa điểm xả súng biến động theo thời gian và có vẻ phụ thuộc vào... sở thích của các tay súng.

Nhịp độ bạo động súng đạn tại Mỹ gia tăng, cùng với sự trẻ hóa của những tay súng.

Đáng chú ý, Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu khoảng 45% vũ khí tư nhân của thế giới. Và con số 3 vụ xả súng trong tháng 8-2019 vừa qua đã tiếp thêm dầu vào lửa, chính thức hâm nóng lại chủ đề kiểm soát súng đạn, đặt ra yêu cầu đến lúc nước Mỹ cần nghiêm túc hơn đối với vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, nhịp độ bạo động súng đạn tại Mỹ càng ngày càng gia tăng, và nhiều vụ này gần đây có liên hệ đến kỳ thị chủng tộc với tư tưởng “người da trắng thượng đẳng”.

Ví dụ như, bản tuyên ngôn của tay súng ở El Paso kêu gọi người Mỹ trắng chống lại “sự xâm lăng” của dân nhập cư, phỉ báng và kêu gọi bạo động với chính nhóm người này. Thú vị hơn, kẻ xả súng đã lấy cảm hứng từ ngôn ngữ thù địch của chính Tổng thống Mỹ khi miêu tả người nhập cư là “kẻ xâm lược tràn vào Mỹ” - một thuật ngữ mà ông Trump thường xuyên sử dụng để tranh luận về bức tường biên giới Mỹ - Mexico.

Hắn còn dựa trên những phản biện tranh cử của ông Trump để đưa ra các ý tưởng phân cực chính thống và đề cập tới những người từng bị đẩy ra rìa của xã hội Mỹ.

Thế nhưng, lý do thực sự nằm sau Hiến pháp Mỹ, vốn cho phép người dân được sở hữu súng đạn, và khó có thể bị “đảo ngược” vì cần phải được thông qua tại cả Hạ viện và Thượng viện.

Năm 2008, Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ những quy định hạn chế quyền sở hữu súng với phán quyết khẳng định quyền sở hữu súng, bao gồm quyền giữ súng đã lên đạn để tự vệ. Dư luận kêu gào thảm thiết, nhưng chính quyền Washington có vẻ bất lực và luôn tìm cách trốn tránh trách nhiệm. Phản ứng tiêu biểu của đảng Cộng hòa chỉ là tỏ ra buồn rầu, thương tiếc các nạn nhân và lên án hung thủ.

Cũng dễ hiểu khi mà ngành công nghiệp súng đạn có ảnh hưởng tới chính trị vô cùng to lớn, khi mà kinh doanh vũ khí đem lại siêu lợi nhuận. Có rất ít những thay đổi về luật quản lý súng đạn ở tầm quốc gia trong nhiều năm qua do vị thế của đảng Cộng hòa nhận được sự chống lưng mạnh mẽ của giới cử tri ủng hộ quyền sở hữu súng đạn, cũng như ngành công nghiệp súng đạn vận động hành lang rất dữ dội.

Chưa một lần nào các chính khách Cộng hòa đổ lỗi cho sự lan tràn súng đạn tại Mỹ, mà thường hùng hồn tuyên bố cấm súng đạn không thay đổi được gì cả.

NRA đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi gay gắt giữa phe hậu thuẫn quyền sở hữu súng đạn và phe ủng hộ siết chặt mọi quy định.

Phe Cộng hòa lấy những luận điệu kiểu này từ Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) - tổ chức sẵn sàng ngăn chặn bất kỳ nỗ lực kiểm soát, cấm súng đạn nào, đồng thời cung cấp cho họ rất nhiều tiền thông qua các quỹ tranh cử.

Cứ sau mỗi vụ xả súng, NRA mở chiến dịch vận động ủng hộ súng đạn; thế nên, các dự luật của Nhà Trắng đưa ra đều bị “treo” là điều không tránh khỏi. Với khả năng chi phối những quyết sách nhằm kiểm soát súng đạn, NRA sẽ không dễ dàng từ bỏ hay thu hẹp quy mô ngành kinh doanh đầy lợi nhuận này. Đối với các chính trị gia có khuynh hướng ủng hộ việc gia tăng kiểm soát súng đạn, NRA sẽ tìm cách để loại bỏ họ ra khỏi hệ thống chính trị.

Mâu thuẫn dai dẳng

NRA được đánh giá như là một thế lực chính trị có thể tác động tới lá phiếu của cử tri. NRA đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt giữa phe hậu thuẫn quyền sở hữu súng đạn và phe ủng hộ siết chặt mọi quy định.

Giới quan sát cho rằng, mâu thuẫn này đã và đang trở thành công cụ chính trị để các bên đổ lỗi và chèn ép nhau vào thời điểm đảng Dân chủ và Cộng hòa khởi động chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Số lượng ứng viên Dân chủ tập trung về kiểm soát súng đạn nhiều nhất từ trước tới nay với việc kêu gọi chống lại bạo lực liên quan tới súng đạn và cam kết chống lại các hoạt động của NRA.

Phe Dân chủ lao vào công kích Tổng thống Trump, cáo buộc ông chủ Nhà Trắng “truyền cảm hứng” cho chủ nghĩa cực đoan thông qua những phát ngôn đầy thù địch.

Đồng thời, họ chỉ trích Thượng viện “làm việc không ra gì”, lên án chính sách nhập cư cứng rắn của ông Trump là yếu tố khiến nảy sinh tâm lý thù hận của một bộ phận người dân.

Trong khi đó, các đồng minh của Donald Trump ngay lập tức bác bỏ, cho rằng đối thủ chính trị của Tổng thống đang cố khai thác “bi kịch súng” để phục vụ tham vọng chính trị của họ. Vô hình trung, câu chuyện bạo lực súng đạn càng khoét sâu thêm sự chia rẽ nội bộ ở nước Mỹ.

Thực tế cho thấy, bất chấp bối cảnh mật độ các vụ xả súng đang ngày càng dày lên thì Chính phủ Mỹ vẫn chưa thực sự triển khai được một chính sách nào hiệu quả để ngăn chặn những thảm kịch súng đạn trong tương lai.

Tổng thống Donald Trump luôn đổ lỗi cho các thông tin bạo lực cực đoan tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội đã tác động rất lớn đến tâm trí rối loạn của những tay súng, đặc biệt là thanh thiếu niên, từ đó làm gia tăng nhanh chóng số lượng và mức độ các vụ xả súng.

Ông chủ Nhà Trắng cũng chỉ trích các đạo luật súng đạn nghiêm khắc tại các nước như Pháp và Anh, cho rằng các vụ tấn công có thể ngăn chặn được nếu người dân được trang bị vũ khí.

Tổng thống Donald Trump từng đe dọa phủ quyết hai dự luật liên quan đến kiểm soát súng đạn do Hạ viện thông qua.

Trái ngược với chính quyền Trump, đảng Dân chủ mới đây đã có một bước đi chưa từng có trong tiền lệ. Hạ viện thông qua hai dự luật liên tiếp liên quan đến bạo lực súng đạn, cho phép mở rộng việc kiểm tra lý lịch đối với gần như mọi trường hợp mua bán súng và kéo dài thời gian xem xét kiểm tra thông tin đối với hoạt động mua bán súng từ 3 đến 10 ngày.

Dù vậy, tới nay Tổng thống Trump và Thượng viện vẫn không đả động tới hai dự luật. Theo ông Trump, các ý kiến nghị sĩ Dân chủ chưa hợp lý trong bối cảnh Mỹ phải chịu các mối đe dọa quân sự, và sẽ không làm thay đổi được Hiến pháp. Tổng thống Mỹ còn đe dọa phủ quyết nếu hai dự luật này được Quốc hội thông qua.  

Rõ ràng, sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng là Dân chủ - nắm Hạ viện, và Cộng hòa - kiểm soát Thượng viện khiến chính giới Mỹ khó lòng tìm được tiếng nói chung. Có vẻ câu chuyện bạo lực súng đạn ở nước Mỹ đang bị “mắc kẹt” trong vòng xoáy của lợi ích nhóm và chia rẽ đảng phái. Nhiều ý kiến lo ngại một khi cục diện chính trường Mỹ còn trong thế đối trọng như hiện nay thì cuộc tranh cãi siết chặt sở hữu súng đạn được xới lên sau mỗi vụ xả súng nhiều khả năng lại sa vào lối mòn bế tắc.

Không ai biết, cho đến khi nào Mỹ mới kiểm soát được “bóng ma” súng đạn. Chỉ có một điều chắc chắn: việc Tổng thống Trump cứ mãi lặng im sẽ khiến uy tín của ông suy giảm trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang trở nên gấp rút.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top