Hợp tác tăng cường an ninh mạng

10:07 - Thứ Tư, 25/09/2019 Lượt xem: 7651 In bài viết

27 nước vừa ký thỏa thuận chung về tăng cường hợp tác an ninh mạng, chống các vụ tin tặc tấn công, hướng tới một quy tắc cơ bản về an ninh mạng. Bước đi này diễn ra trong bối cảnh các vụ tấn công tin tặc mang tầm quốc tế nhắm cùng lúc vào nhiều nước.

An ninh mạng ngày càng thách thức với nhiều nước.

Tuân thủ luật pháp quốc tế

Tuyên bố về thỏa thuận trên được đưa ra vào ngày 24-9 tại Liên hiệp quốc (LHQ) trước khi bắt đầu cuộc tranh luận chung của Đại hội đồng LHQ. Trong khi quan điểm về những gì cấu thành nên hành động tin tặc tấn công được bảo trợ ở cấp độ quốc gia còn nhiều tranh cãi thì Mỹ và các đồng minh thường đồng ý về các quy tắc cơ bản. Đây là luật để chống lại các vụ tin tặc tấn công với mục đích do thám và tấn công các mục tiêu quân sự, các cơ sở hạ tầng dân sự.

Các bên ký kết bao gồm các thành viên của liên minh tình báo Five Eyes (Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada) cũng như các quốc gia lớn khác ở châu Âu cùng Colombia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các bên ký kết phản ánh nhóm các quốc gia liên quan đến 2 lần bị tấn công tin tặc trước đó với lời cáo buộc nhắm vào Trung Quốc và Nga. Thỏa thuận nói trên cũng lên án 2 loại hành vi thường liên quan đến hoạt động “phá hoại các nền dân chủ và các tổ chức, tổ chức quốc tế và làm mất đi tính cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế toàn cầu”. Nga đã nhiều lần bị các nước phương Tây cáo buộc tấn công các chiến dịch chính trị để can thiệp vào nhiều cuộc bầu cử. Trung Quốc trong nhiều năm đã bị lên án rộng rãi vì hành động tin tặc tấn công các doanh nghiệp trên khắp thế giới giúp các công ty Trung Quốc có thêm thông tin. Đến nay, 2 nước này đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công an ninh mạng.

Vai trò của LHQ 

Trong những ngày qua, các nhà ngoại giao đã tập trung tại New York để thảo luận về cách thức luật pháp quốc tế nên ngăn chặn chiến tranh mạng toàn diện. Đại diện Nga cảnh báo về khả năng “chiến tranh mạng toàn cầu” và Iran tự mô tả mình là nạn nhân đầu tiên của một cuộc tấn công mạng nghiêm trọng, gọi cuộc tấn công của Stuxnet gần đây là “mạng xã hội đen”. 

Ông Lukasz Olejnik, một chuyên gia an ninh mạng liên kết với Trung tâm công nghệ toàn cầu tại Đại học Oxford, cho biết, các thành viên LHQ đã lần đầu tiên thảo luận đáng kể về an ninh mạng theo sáng kiến của Nga. Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tham gia vào quá trình này. Trung Quốc, Iran, Canada, Australia và các nước khác đã đóng góp bằng văn bản. Câu hỏi chính là liệu cuộc họp này có dẫn đến một hiệp ước về các tiêu chuẩn an ninh mạng toàn cầu hay không. Nga cùng với Trung Quốc và các nước khác muốn có một hiệp ước, coi đây là cơ hội để giới thiệu các nguyên tắc mạnh mẽ hơn về chủ quyền quốc gia qua internet. 

Các nước phương Tây và đồng minh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của luật quốc tế hiện hành, trong khi Nga, Trung Quốc, Iran và các nước khác cho rằng thiếu rõ ràng của luật pháp hiện hành. Gần 2/3 các cuộc tấn công DDoS trong quý 2-2019 là các cuộc tấn công bộ nhở đệm (DNS), theo công ty bảo mật đám mây Nexusguard. Trong các cuộc tấn công này, các tác nhân độc hại giả mạo các yêu cầu DNS để các máy chủ phản hồi gây tê liệt quy mô lớn, làm tắc nghẽn hiệu quả các kết nối internet của họ.

Andrei Tyurin (35 tuổi), người Moscow, bị cáo buộc đã hỗ trợ đánh cắp dữ liệu cá nhân từ hơn 80 triệu khách hàng của Ngân hàng JP Morgan Chase trong một vụ đột nhập bị các công tố viên liên bang Mỹ phát hiện vào 4 năm trước. Tại thời điểm đó, vụ việc này được mô tả là vụ đánh cắp đơn lẻ lớn nhất trong lĩnh vực dữ liệu khách hàng. Tyurin cũng bị cáo buộc đã nhằm vào các tổ chức tài chính khác, các công ty môi giới, đơn vị xuất bản tin tức tài chính và các doanh nghiệp khác của Mỹ. Theo kế hoạch, tin tặc Nga sẽ bị kết án vào ngày 13-2-2020.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top