Diễn đàn Kết nối Âu - Á: Thúc đẩy đối thoại, tăng cường hợp tác

08:49 - Thứ Hai, 30/09/2019 Lượt xem: 8178 In bài viết

Hơn 1.400 đại biểu là các nhà lãnh đạo, đại diện doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và giới học giả các nước Liên minh châu Âu (EU) và châu Á đã có mặt tại thủ đô Brussels (Bỉ) để tham dự Diễn đàn Kết nối Âu - Á do Ủy ban châu Âu (EC) khởi động.

Diễn đàn Kết nối Âu - Á nhằm thúc đẩy đối thoại và liên kết giữa hai châu lục.

Với chủ đề “Xây dựng cầu nối cho tương lai bền vững”, diễn đàn đã đề cao mục tiêu thúc đẩy đối thoại và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các chủ thể ở hai châu lục, hướng tới sự ổn định, thịnh vượng và chia sẻ các giá trị chung. Đoàn Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình dẫn đầu tham dự sự kiện.

Chiếm 60% dân số thế giới, 60% GDP và 55% giá trị thương mại toàn cầu, tiềm năng hợp tác giữa châu Âu và châu Á rất lớn. Năm 2016, trong bản Chiến lược toàn cầu thế kỷ XXI, EU xác định cần đẩy mạnh các liên kết giữa an ninh và phát triển của châu Âu với vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của châu Á. Từ đó, nhiều dự án hợp tác chung giữa hai khu vực về chính trị, kinh tế và an ninh đã được triển khai với tầm nhìn về kết nối ngày một định hình rõ nét. Song, những ảnh hưởng nghiêm trọng của các nguy cơ an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khủng bố, an ninh mạng… cùng việc hàng loạt quốc gia như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản điều chỉnh chiến lược đẩy mạnh hợp tác với châu Á đòi hỏi Lục địa già phải thể hiện những bước đi tích cực hơn.

Vì vậy, sự kiện tại Brussels được coi là hành động đầu tiên cụ thể hóa Chiến lược kết nối Âu - Á đầy tham vọng được EC đưa ra cách đây một năm sau khi Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker và lãnh đạo một số quốc gia EU kêu gọi khối này phải có một chính sách mạnh mẽ, rõ ràng và toàn diện hơn hướng tới châu lục đông dân nhất thế giới. Với 3 nguyên tắc cơ bản là kết nối bền vững, toàn diện và dựa trên các luật lệ quốc tế, chiến lược này hướng tới hàng loạt mục tiêu như hình thành mạng lưới giao thông rộng lớn, liên kết về năng lượng, tạo môi trường phát triển ổn định thông qua hợp tác và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần xóa đói giảm nghèo để tạo tăng trưởng bền vững…

Trên cơ sở đó, tại diễn đàn này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cũng đã ký kết một hiệp định về cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các dự án giao thông, năng lượng và kỹ thuật số, chính thức hóa sự tham gia của Tokyo trong một dự án kết nối Âu - Á mới. Tài trợ cho các dự án là một quỹ bảo đảm trị giá 60 tỷ euro của EU, các ngân hàng phát triển và các nhà đầu tư tư nhân. Những bước đi cụ thể và đầy hứa hẹn như vậy đã tạo cơ sở hướng tới sự thống nhất trong các tiêu chuẩn chung của kết nối Âu - Á, thúc đẩy hai châu lục xích lại gần nhau hơn.

Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối với những nỗ lực của EU và cho rằng sáng kiến này mang lại một lựa chọn nữa cho các nước châu Á. Với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giữa EU với ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương để khai thác đầy đủ những tiềm năng hợp tác giữa hai bên.

Quan điểm này hoàn toàn đồng nhất với khẳng định của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker rằng kết nối là cần thiết trước sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia. Điều này cũng là một phần quan trọng trong nỗ lực đáp ứng kỳ vọng của người dân bởi nó mang lại lợi ích, tạo ra sự ổn định và thịnh vượng cho tất cả các bên. Từ cách tiếp cận trên, thông qua diễn đàn, châu Âu đã đưa ra thông điệp rõ ràng thể hiện mong muốn thắt chặt sợi dây liên kết giữa hai châu lục theo hướng đôi bên cùng có lợi.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top