Liên hợp quốc: Thách thức cạn kiệt ngân sách

09:34 - Thứ Hai, 14/10/2019 Lượt xem: 7395 In bài viết

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa cảnh báo tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng” đến mức các nhân viên có thể không được hưởng lương vào tháng tới. 

Liên hợp quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Thông báo khẩn trên được phát đi khi chỉ còn 3 tháng nữa mới hết năm 2019, nhưng Liên hợp quốc đang gặp khó khăn trước tình trạng thâm hụt ngân sách 230 triệu USD.

Trong bức thư gửi tới 37.000 nhân viên làm việc tại Liên hợp quốc, Tổng Thư ký A.Guterres cho rằng cần phải thực hiện các biện pháp bổ sung để trả lương và bảo đảm quyền lợi cho nhân viên. Khó khăn về tài chính khiến tổ chức này phải lên kế hoạch “thắt lưng, buộc bụng”, theo đó hoãn nhiều hội nghị, cắt giảm dịch vụ, hạn chế các chuyến công tác...

Ðây không phải lần đầu ông A.Guterres nhắc nhở về “sức khỏe tài chính” của Liên hợp quốc. Tháng 7 năm ngoái, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cũng từng cảnh báo khẩn về tình trạng thiếu ngân sách trầm trọng của cơ quan này và thông báo kế hoạch cắt giảm chi tiêu.

Tình hình căng thẳng đến mức, tháng 6 năm nay, trong cuộc họp với Ủy ban Ngân sách của Liên hợp quốc, ông A.Guterres thậm chí còn cân nhắc bán ngôi nhà dành cho Tổng Thư ký ở Manhattan, New York, Mỹ để lấy tiền giúp giải quyết tình trạng khủng hoảng ngân sách. 

Nguyên nhân vẫn là việc các nước thành viên không thanh toán các khoản đóng góp thường niên đúng hạn. Phó Tổng Thư ký phụ trách chiến lược quản lý Liên hợp quốc Catherine Pollard cho biết, không tính khoản chi cho hoạt động gìn giữ hòa bình, ngân sách hoạt động của Liên hợp quốc năm 2018-2019 là gần 5,4 tỷ USD.

Theo quy định, mỗi quốc gia thành viên phải góp một phần vào ngân sách hoạt động thường xuyên và ngân sách gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo hai hình thức thanh toán bắt buộc và đóng góp tự nguyện. Hiện 128 nước thành viên đã trả 1,99 tỷ USD cho ngân sách hoạt động năm 2019 của tổ chức này.

Tuy nhiên, có 65 nước còn chưa thanh toán khoảng 1,386 tỷ USD trong năm nay, bao gồm cả Mỹ. Trên thực tế, Mỹ đóng góp tài chính nhiều nhất cho Liên hợp quốc với 28% ngân sách của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nhưng đồng thời cũng là “con nợ” lớn nhất, theo sau là Brazil, Nhật Bản, Venezuela, Saudi Arabia và Argentina. Số liệu từ Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc cho thấy, cường quốc kinh tế số 1 thế giới hiện còn nợ tổ chức này 1 tỷ USD, bao gồm 381 triệu USD tiền nợ cũ và 674 triệu USD nợ trong năm nay. 

Trước đó, với lý do phải gánh chi phí không công bằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Washington sẽ giảm việc đóng góp cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình xuống còn tối đa 25% (3% thiếu hụt tương đương khoảng 220 triệu USD). Vì vậy, ngân sách dành cho hoạt động gìn giữ hòa bình giai đoạn 2018-2019 ở mức hơn 6,6 tỷ USD đã giảm khoảng 600 triệu USD so với năm trước đó do sức ép về tài chính.

Kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống D.Trump từng công khai cân nhắc liệu có nên coi Liên hợp quốc cũng như các tổ chức đa phương là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Washington hay không. Do đó, Mỹ vẫn chưa thanh toán khoản nợ bởi muốn gây sức ép với tổ chức gồm 193 thành viên.

Thành lập năm 1945, Liên hợp quốc đã giữ vị trí quan trọng trong nỗ lực giải quyết các thách thức chung của nhân loại từ gìn giữ an ninh, biến đổi khí hậu, thiếu nước ngọt, bất bình đẳng, làn sóng di cư, nhân đạo, an ninh mạng đến nhiều vấn đề đang ngày càng lan rộng khác.

Đặc biệt, Liên hợp quốc đóng vai trò là trung tâm của một hệ thống dựa trên các quy tắc, luật lệ. Vì vậy, cho dù đã có nhiều thay đổi, thế giới vẫn cần một nền tảng thảo luận toàn cầu và một tổ chức có thể thúc đẩy hợp tác quốc tế. Thế nên, việc duy trì hoạt động của Liên hợp quốc là tất yếu và thể hiện trách nhiệm thực thi cam kết của từng quốc gia.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top