Phong trào Mingei và sự trỗi dậy của nghề thủ công truyền thống Nhật Bản

09:13 - Thứ Sáu, 15/11/2019 Lượt xem: 7371 In bài viết

Sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật thủ công từ lâu đã là một xu hướng mang tính quốc tế, giúp nâng tầm các sản phẩm thủ công truyền thống. Tại Nhật Bản, nhờ đề cao kỹ thuật thủ công truyền thống, coi đó là tinh hoa nghệ thuật dân gian cũng như vai trò của thiết kế mẫu mã, họ đã thành công trong việc tạo ra danh tiếng tầm cỡ thế giới và sức sống bền vững cho nhiều nghề thủ công độc đáo.

Nghệ nhân làm gốm Nhật Bản.

Phong trào Mingei

Từ "mingei" có nghĩa là "nghệ thuật của người dân", được đặt ra bởi một học giả người Nhật tên là Soetsu Yanagi. Ông là người sáng lập Viện Bảo tàng Nghệ thuật dân gian Mingeikan tại Tokyo vào năm 1936.

Khi còn là một chàng trai trẻ, Soetsu Yanagi đã đam mê sưu tầm đồ thủ công mỹ nghệ và sớm nhận thấy vẻ đẹp vượt thời gian của các sản phẩm thủ công dân gian, trong khi với những người khác, những đồ vật mộc mạc ấy đơn giản chỉ là những vật dụng hằng ngày. Trong thời gian sống ở Hàn Quốc vào đầu những năm 1920, bằng những bài viết của mình, ông đã chỉ ra cho người Hàn Quốc giá trị của đồ gốm thủ công, khẳng định với họ rằng di sản nghệ thuật lâu đời của họ là một trong những đồ vật nhân tạo đẹp nhất, có giá trị ngang bằng với những bức tranh cuộn nổi tiếng của phương Đông hay các bức tranh và điêu khắc của phương Tây thường được ca ngợi rầm rộ trên báo chí lúc đó. Trở về quê hương Nhật Bản, Yanagi bắt đầu sưu tầm đồ thủ công của dân tộc mình và ông tin rằng chính người dân của cũng cần khám phá và bảo tồn những vật thể mà họ đã sử dụng qua nhiều thời đại nhưng vẫn luôn coi chúng là vô danh hay tầm thường. Năm 1936, ông kết hợp với hai nghệ nhân nghề gốm là Kanjiro Kawai và Shoji Hamada mở Viện Bảo tàng Nghệ thuật dân gian Mingeikan đầu tiên tại Tokyo.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản bước vào giai đoạn tái thiết, ngành công nghiệp phát triển rất mạnh, đồ đạc và sản phẩm được sản xuất theo kiểu hàng loạt với hình thức thực dụng theo xu hướng Âu - Mỹ. Nhiều mặt hàng thủ công dần dần bị mai một. Viện Bảo tàng Nghệ thuật Mingeikan trở thành dấu gạch nối, dung hòa xưa và nay, ứng dụng vật liệu và công nghệ mới để phục hồi và phát triển nghệ thuật dân gian. Sản phẩm mới của các nghệ nhân dựa theo hình mẫu của các nhà thiết kế nhưng được chế tác bằng tay, tinh xảo khéo léo như các món cổ vật được mang đi triển lãm ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, gây tiếng vang và sự chú ý rất lớn về nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản. Những hoạt động của Soetsu Yanagi cùng các nghệ nhân đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của người dân nói chung về nghệ thuật dân gian và họ đã tạo ra những cú hích mạnh mẽ trong việc bảo tồn nghề truyền thống ở Nhật Bản, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất đồ gốm.

Đề cao việc sáng tạo mẫu mã

Bên cạnh thái độ tôn vinh nghề thủ công truyền thống, coi đó là tinh hoa nghệ thuật của nhân dân, Nhật Bản còn coi nghề thủ công truyền thống có vai trò như một đối trọng đối với sự bùng nổ, tăng trưởng nóng ở các ngành nghề khác. Đây là một ngành kinh tế bền vững, là giải pháp để phát triển kinh tế địa phương dựa trên các nguồn tài nguyên sẵn có. Bên cạnh đó, nghề thủ công truyền thống còn được kỳ vọng sẽ đóng vai trò “sứ giả truyền bá văn hóa Nhật Bản với thế giới bên ngoài”, bởi sự tinh xảo, tính thẩm mỹ và kỹ thuật điêu luyện được tích lũy trong mỗi sản phẩm sẽ khiến cho người nước ngoài cảm nhận được chiều sâu của văn hóa Nhật Bản.

Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, ngay từ năm 1974 chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống, trong đó coi thiết kế mẫu mã là một trong những nội dung chính cần tập trung phát triển, bên cạnh các vấn đề quan trọng khác như chính sách hỗ trợ phát triển, đào tạo, marketing... Người Nhật đã sớm nhận thấy rằng, trong thời đại tiêu dùng đa dạng, phong phú như ngày nay, các sản phẩm thủ công truyền thống Nhật Bản không thể giữ nguyên mẫu mã cũ bởi phải cạnh tranh với hàng hóa cao cấp, mẫu mã đẹp của châu Âu và hàng thông thường giá rẻ từ châu Á tràn vào. Năm 1975, dự án “Thúc đẩy phát triển mẫu mã cho các ngành nghề địa phương” ra đời, với nguồn kinh phí được nhà nước hỗ trợ. Nhiều cuộc thi trong lĩnh vực nghệ thuật thủ công được tổ chức nhằm tìm kiếm mẫu mã, cùng với đó là rất nhiều triển lãm trưng bày sản phẩm để lấy ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, người tiêu dùng...

Trải qua hơn 40 năm thực hiện Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống, Nhật Bản hiện được đánh giá là một trong những nước bảo tồn và phát triển nghề thủ công bậc nhất thế giới. Hàng trăm sản phẩm thủ công truyền thống được đưa vào danh sách bảo tồn. Có khoảng 70 nghìn người theo nghề, gần 14 nghìn cơ sở sản xuất với tổng doanh thu từ nghề thủ công truyền thống đạt 104 tỷ yên (880 triệu USD) mỗi năm. Danh tiếng của các làng nghề như nghề làm sứ Arita, nghề làm giấy Washi, nghề dệt thủ công Bashou-fu, nghề rèn kiếm và dao ở Seki... đã vang xa khắp thế giới.

Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc gìn giữ các nghề thủ công truyền thống độc đáo cùng với kỹ thuật chế tác phong phú, điêu luyện trong làn sóng công nghiệp hóa của xã hội hiện đại luôn được coi là bài học hữu ích cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top