Trung Quốc - Mỹ: Triển vọng hóa giải căng thẳng thương mại

10:01 - Thứ Sáu, 13/12/2019 Lượt xem: 7231 In bài viết

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận trì hoãn đợt thuế quan mới mà Washington dự kiến áp lên hàng hóa của Bắc Kinh từ ngày 15-12 tới. Nếu thỏa thuận trì hoãn đạt được thì đây sẽ là bước tiến đầy triển vọng hướng tới việc chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế đầu tàu của thế giới này.

Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực đàm phán để đạt được thỏa thuận trì hoãn đợt thuế quan mới mà Washington dự kiến áp lên hàng hóa của Bắc Kinh.

Theo dự kiến, cuối tuần này, Chính phủ Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 15% lên khối hàng hóa trị giá 160 tỷ USD của Trung Quốc nhập khẩu vào nước này. Mức thuế trên sẽ ảnh hưởng đến các loại hàng hóa tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo.

Hồi đầu tháng 10-2019, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí đi đến một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Sau đó, thỏa thuận dự kiến sẽ được ký trong tháng 11-2019, thế nhưng rồi thời hạn liên tục bị đẩy lùi do hai bên chưa nhất trí được một số nội dung, đặc biệt là vấn đề dỡ thuế quan và khối lượng mua hàng hóa nông sản. Mấu chốt để ông D.Trump chấp nhận đặt bút ký một thỏa thuận ban đầu là Trung Quốc cam kết mua nông sản của Mỹ. Hiện các cuộc đối thoại đang tiếp diễn nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, hai bên làm việc không ngừng nghỉ để dàn xếp những bất đồng. Dù rằng chính quyền Tổng thống D.Trump chưa thông báo trì hoãn nhưng Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue hồi đầu tuần khẳng định rằng, ông tin phía Mỹ sẽ ngưng lại một số biện pháp thuế quan mới mà cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng phản đối. Trong khi phía Trung Quốc cũng bày tỏ kỳ vọng, dựa trên nền tảng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, hai bên có thể đạt được một thỏa thuận trong thời gian sớm nhất.

Theo các nhà phân tích, việc dỡ thuế trong thỏa thuận giai đoạn 1 nhiều khả năng sẽ diễn ra theo hướng giảm thuế suất của thuế quan thay vì xóa hẳn mức thuế đã áp. Tính đến nay, sau khoảng thời gian căng thẳng thương mại kéo dài 17 tháng, Mỹ đã áp thuế bổ sung 25% với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và 15% lên 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đợt thuế sắp tới sẽ đánh vào hàng tiêu dùng. Các nhà kinh tế lo ngại nó sẽ khiến người dân kìm hãm chi tiêu, trong bối cảnh tiêu dùng vẫn đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đối với Trung Quốc, thuế quan mới sẽ làm trì trệ thêm nền kinh tế. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 23% trong tháng 11-2019 so với một năm trước đó.

Trong bối cảnh này, các nhà kinh tế cảnh báo căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới không chỉ làm giảm niềm tin của các doanh nghiệp đang phải dựa vào thị trường Trung Quốc để có hàng tỷ USD doanh thu mà còn làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, các nhà đàm phán đang đối mặt với nhiều áp lực đòi hỏi ký kết một thỏa thuận, hoặc ít nhất là một vài nội dung trong đó. Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Mỹ thời điểm hiện tại là công bố được thỏa thuận giai đoạn 1, bảo đảm Trung Quốc sẽ nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Mỹ trên quy mô lớn. Đây sẽ là "điểm cộng" cho Tổng thống D.Trump trong chiến dịch tranh cử sắp tới.

Nếu được hoàn tất, thỏa thuận giai đoạn 1 nhiều khả năng sẽ bao gồm việc dỡ bỏ các khoản thuế bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9 vừa qua và khoản thuế bổ sung mà chính quyền Tổng thống D.Trump dự kiến ban hành vào ngày 15-12 tới. Quan trọng hơn, nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 thì niềm tin vào kinh tế toàn cầu sẽ khởi sắc, từ đó đi đến một thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại gây nhiều tổn thất này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top