30 năm APEC: Vì mục tiêu chung cùng có lợi

09:13 - Thứ Tư, 25/12/2019 Lượt xem: 8178 In bài viết

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989, đến 2019 là tròn 30 năm. Hiện tại, APEC được công nhận là tổ chức hợp tác kinh tế khu vực có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ APEC đã đạt được tiến triển về mọi mặt.

Trong những năm qua, hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ APEC đã đạt được tiến triển về mọi mặt, xu hướng và triển vọng phát triển của nó thu hút nhiều sự chú ý.

APEC thành lập khiến một Thái Bình Dương rộng lớn không còn là rào cản địa lý mà trở thành sợi dây gắn kết nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thành viên của APEC rất đông, trình độ phát triển kinh tế có sự chênh lệch lớn, các phương diện như chế độ xã hội, văn hóa và lịch sử... đều mang tính đa dạng rõ rệt, điều này về khách quan đã mang lại nhiều thách thức cho APEC.

Trước tiên, các phương thức vận hành và nguyên tắc chỉ đạo đặc biệt đã mang đến đủ không gian thể chế cho hợp tác APEC. Dựa trên các đặc điểm đa dạng của hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, APEC nhấn mạnh tính linh hoạt và tính tiệm tiến trong phương thức vận hành, tuân theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, đồng thuận và tự chủ, khuyến khích các thành viên thực hiện kế hoạch hành động đơn phương dựa trên các tình huống khác nhau dưới sự dẫn dắt của mục tiêu Chương trình hành động tập thể.

Về bản chất, “Phương thức APEC” lấy bàn bạc thay cho đàm phán, lấy cam kết của lãnh đạo các nước thành viên thay cho thỏa thuận, do đó tránh được tính ràng buộc và mức độ thể chế hóa cao gây cản trở tiến trình hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn đầu. Đồng thời, APEC cũng tích cực khởi xướng và thực thi “chủ nghĩa khu vực cởi mở” với nội dung lấy hoạt động kinh tế làm trung tâm, chú trọng việc bổ trợ kinh tế lẫn nhau giữa các thành viên, tuân thủ việc không phân biệt đối xử trong hợp tác tự do hóa đầu tư thương mại; ủng hộ tiến trình tự do hóa thương mại đa phương song song với việc thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực.

“Chủ nghĩa khu vực cởi mở” không chỉ từng bước mở rộng không gian thể chế cho hợp tác APEC mà còn đem đến những trải nghiệm hữu ích cho việc đổi mới các cơ chế hợp tác khu vực truyền thống.

Tự do hóa và thuận lợi hóa đầu tư thương mại song hành với hợp tác kinh tế và công nghệ khiến nhu cầu lợi ích của các thành viên APEC được cân bằng một cách hiệu quả, từ đó tiếp thêm động lực mới cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển kinh tế giữa các thành viên, APEC nhận thức được rằng chỉ chú trọng vào mặt hợp tác tự do hóa và thuận lợi hóa đầu tư thương mại là chưa đủ, để tập trung vào đó, cần phải biến tính đa dạng thành tính bổ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế giữa các thành viên để thúc đẩy tăng trưởng cân bằng và phát triển bền vững, mới có thể đạt được sự thịnh vượng chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Do đó, ngay từ khi thành lập APEC đã thiết lập 3 trụ cột bao gồm tự do hóa đầu tư thương mại, thuận lợi hóa đầu tư thương mại, hợp tác kinh tế và công nghệ và đã đạt được tiến triển về mọi mặt.

Trong lĩnh vực tự do hóa đầu tư thương mại, đề xướng mang tính tiên phong của APEC là Mục tiêu Bogor được thành lập năm 1994, cụ thể là các thành viên phát triển và thành viên đang phát triển phấn đấu đạt được tự do hóa thương mại lần lượt vào năm 2010 và 2020.

Dưới sự dẫn dắt của mục tiêu Bogor, các thành viên APEC đã lựa chọn các biện pháp đa dạng để giảm các rào cản đầu tư thương mại, mức thuế tối huệ quốc trung bình trong khu vực APEC từ 17% của năm 1989 đã giảm xuống còn 5,3% vào năm 2018. Kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ trong khu vực tăng gấp 6 lần từ năm 1989 đến 2918. Tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm cao hơn nhiều so với các khu vực khác của thế giới.

Về mặt tạo thuận lợi cho đầu tư thương mại, APEC đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong hợp tác ở các lĩnh vực trọng điểm như thủ tục hải quan, tiêu chuẩn hóa và thống nhất hóa. Về hợp tác kinh tế và công nghệ, từ năm 1994, APEC đã thực hiện khoảng 2.400 dự án hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như phát triển nguồn nhân lực, hợp tác công nghệ các ngành nghề, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khai phá tài nguyên thiên nhên và bảo vệ môi trường.

Nội dung và hình thức của dự án ngày càng đa dạng, có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thu nhập bình quân đầu người trong khu vực APEC từ 8.500 USD của năm 1989 tăng lên 16.600 USD vào năm 2018.

Khuôn khổ hợp tác theo kịp thời đại và không ngừng mở rộng đã truyền thêm sức sống cho tiến trình APEC. Trước những thay đổi môi trường kinh tế toàn cầu và xu thế khách quan, APEC đã lập ra chiến lược mới nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế cân bằng, bao dung, bền vững, đổi mới và an toàn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ đó khiến khuôn khổ hợp tác APEC đạt được sự mở rộng toàn diện về chiều rộng và chiều sâu.

Cuối cùng, việc không ngừng hoàn thiện xây dựng cơ cấu tổ chức đã đem đến một sự đảm bảo về cơ chế cho tiến trình hợp tác APEC. Thông qua việc thiết lập cơ cấu từ trên xuống dưới như các cuộc họp không chính thức giữa các nhà lãnh đạo, các cuộc họp cấp bộ trưởng, các cuộc họp giữa quan chức cấp cao, các ủy ban, tổ công tác và ban thư ký.

Cơ chế cuộc họp thường niên giữa các nhà lãnh đạo APEC được bắt đầu vào năm 1993 đã đem đến một nền tảng cấp cao cho các thành viên trong việc triển khai ngoại giao song phương và đa phương cũng như thảo luận về các vấn đề lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top