Hệ lụy từ cuộc chiến kéo dài

09:49 - Thứ Ba, 07/01/2020 Lượt xem: 6428 In bài viết

Theo báo cáo mới đây của Liên hợp quốc, Yemen sẽ trở thành đất nước nghèo đói nhất thế giới nếu xung đột tiếp tục kéo dài. Quốc gia trên bán đảo A-rập này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng, trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho các hoạt động cứu trợ Yemen cạn kiệt.

Trẻ em Yemen tại một lớp học ngoài trời. Ảnh MIDDLE EAST ONLINE

Yemen chìm vào xung đột kể từ khi lực lượng phiến quân Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa vào cuối năm 2014. Liên minh quân sự do A-rập Xê-út, vốn hậu thuẫn Chính phủ của Tổng thống M.Hadi được quốc tế công nhận, dẫn đầu đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Houthi ở Yemen từ năm 2015. Cuộc xung đột leo thang khiến hàng chục nghìn người chết, đẩy đất nước Yemen rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới. Hiện có hơn 24 triệu người, chiếm khoảng hai phần ba dân số Yemen, cần viện trợ khẩn cấp. Do chiến tranh, số người nghèo đói tại Yemen đã tăng lên mức 47% dân số vào năm 2014 và được dự báo sẽ chiếm 75% dân số vào cuối năm 2019. Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo, nếu chiến sự tiếp tục kéo dài đến năm 2022, Yemen sẽ trở thành quốc gia nghèo đói nhất thế giới, với 79% dân số sống dưới mức nghèo khổ và 65% dân số xếp vào hạng nghèo đói cùng cực. Bốn năm xung đột đã kéo lùi sự phát triển của Yemen tới 20 năm.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), kể từ khi xung đột leo thang, hai triệu trẻ em ở Yemen đã phải nghỉ học, trong số đó có 25% bỏ học. Việc học tập của 3,7 triệu trẻ em khác có nguy cơ bị gián đoạn do các giáo viên đã không được trả lương trong hơn hai năm qua. Ngoài ra, 20% số trường học ở Yemen bị chiến tranh tàn phá tới mức không thể sử dụng. Ðại diện UNICEF tại Yemen, bà S.B.Nyanti cho biết, tình trạng bạo lực, mất chỗ ở và các vụ tiến công trường học đang ngăn cản nhiều trẻ em đến trường. Bà cảnh báo, những trẻ em không được đi học đối mặt nguy cơ trở thành nạn nhân của tất cả các hình thức bóc lột như bị buộc phải cầm súng chiến đấu, bị bóc lột sức lao động và tảo hôn. Trẻ em không đến trường cũng mất đi cơ hội phát triển, lớn lên trong môi trường lành mạnh và rồi không thể thoát khỏi cuộc sống nghèo đói và khó khăn. Hiện khoảng 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Yemen bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Chiến sự đã cản trở các hoạt động viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc ở Yemen khi cảng chiến lược Hodeidah bên bờ Biển Ðỏ của nước này liên lục bị phong tỏa. Trong khi đó, nguồn ngân sách cứu trợ còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Liên hợp quốc cho biết, mới chỉ nhận được chưa đến 36% trong tổng số tiền 2,6 tỷ USD mà các nước đã cam kết. Nếu các khoản tiền viện trợ không được hiện thực hóa, nhiều chương trình hỗ trợ Yemen có thể phải hoãn lại. Liên hợp quốc nhấn mạnh, trong số 34 chương trình viện trợ quan trọng, chỉ có ba chương trình đã được thực hiện trong năm nay và còn 22 chương trình cứu trợ nhân đạo sẽ phải đóng cửa ở Yemen nếu tổ chức đa phương này không nhận được thêm số tiền viện trợ như cam kết. Trước thực trạng này, UNDP kêu gọi cộng đồng quốc tế không quay lưng với Yemen và cần thực thi những cam kết đối với quốc gia Trung Ðông đang chìm trong xung đột này.

Liên hợp quốc đang nỗ lực làm trung gian thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn giữa phiến quân Houthi ở Yemen và liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu. Tuy nhiên, nhiều thỏa thuận đã bị phá vỡ và khó có thể mở cánh cửa hòa bình cho Yemen. Hệ lụy từ cuộc chiến kéo dài đang tác động tới mọi mặt kinh tế, đời sống - xã hội ở Yemen và quốc gia này đang đứng trước một tương lai khó đoán định.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top