Kế hoạch hòa bình Trung Đông: Mầm mống xung đột mới

16:03 - Thứ Hai, 03/02/2020 Lượt xem: 6103 In bài viết

Đúng với nhận định của nhiều nhà phân tích, bản kế hoạch hòa bình Trung Đông vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố cách đây ít ngày đã không mang lại tín hiệu tích cực cho khu vực mà còn đổ thêm dầu vào “lò lửa” vốn đang trong tình trạng khó kiểm soát.

Ngoại trưởng các nước Arab họp khẩn để bàn về bản Kế hoạch hòa bình Trung Đông do Mỹ công bố. 

Tại phiên họp khẩn của Ngoại trưởng các nước Liên đoàn Arab tại Cairo (Ai Cập) ngày 1-2, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã thông báo với phía Mỹ và Israel rằng sẽ cắt tất cả quan hệ với hai nước này. Chính quyền Palestine đã gửi 2 lá thư đến Thủ tướng Israel và Cơ quan tình báo trung ương Mỹ để phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của Nhà Trắng. Theo ông M.Abbas, kế hoạch của Mỹ đã bị bác bỏ ngay sau khi Mỹ thông báo Jerusalem là Thủ đô của Israel. Mỹ là một nhà hòa giải thiên vị và ông sẽ đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phản đối kế hoạch của Washington. 

Phía Palestine có lý khi đưa ra quan điểm của mình. Trong bản kế hoạch hòa bình Trung Đông do Mỹ đưa ra, Palestine cần phi quân sự hóa và công nhận chủ quyền Israel đối với các khu định cư trên lãnh thổ chiếm đóng, chỉ để đổi lấy chủ quyền hạn chế với Đông Jerusalem, vốn được coi là thánh địa của họ. Lập trường này sẽ khiến Mỹ khó nối lại quan hệ bình thường với Palestine, yếu tố then chốt trong triển khai thỏa thuận thế kỷ của ông D.Trump. 

Cùng ngày, Liên đoàn Arab cũng bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố. Thông cáo đưa ra tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước Arab nêu rõ, kế hoạch không giúp các bên tiến tới một thỏa thuận hòa bình. Liên đoàn Arab sẽ không hợp tác với Mỹ để thực hiện kế hoạch này. 

Ngay từ đầu, kế hoạch hòa bình Trung Đông được giới quan sát đánh giá là dành phần thiên vị không nhỏ cho người Israel. Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng đã nhận định cái gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” này vi phạm luật pháp quốc tế liên quan đến quyền tự quyết, việc chiếm đất bằng vũ lực và sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Cựu Tổng thống J.Carter khẳng định: "Kế hoạch mới của Mỹ phá tan mọi hy vọng về một nền hòa bình giữa Israel và người Palestine". Ông kêu gọi các thành viên Liên hợp quốc bác bỏ mọi hành động đơn phương của Israel về việc thực hiện ý tưởng lấy thêm đất của người Palestine.

Nhiều năm qua, người dân Palestine đã nỗ lực để thành lập nhà nước độc lập bên trong đường biên giới trước cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, với các vùng lãnh thổ như Dải Gaza, khu Bờ Tây và Đông Jerusalem, trong đó Đông Jerusalem sẽ là thủ đô. Tuy nhiên, sau cuộc chiến, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình cũng như tuyên bố toàn bộ Jerusalem là "thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt". Đây là nguyên nhân mấu chốt của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine hơn nửa thế kỷ qua.

Trong khi đó, nội dung kế hoạch hòa bình Trung Đông được cho là thiết kế nhằm phục vụ mục tiêu tái tranh cử của Tổng thống D.Trump. Công bố trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng đang vướng vào tiến trình luận tội và chỉ còn 9 tháng nữa là tới kỳ bầu cử tổng thống năm 2020, nên không ít ý kiến cho rằng văn bản này là “con bài” đánh lạc hướng dư luận khỏi tiến trình luận tội, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái. 

Theo nhiều nhà phân tích, kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ giống như “phát súng” nã vào hòa bình Trung Đông. Như nhận định của Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit: “Những viễn cảnh mà Mỹ đưa ra không mang lại sự ổn định hay hòa bình. Điểm bắt đầu của các cuộc đàm phán không thể dựa vào tối đa yêu cầu của một bên và hoàn toàn bác bỏ các quan điểm của bên kia. Kế hoạch của họ đang gieo mầm thêm 100 năm xung đột và đau khổ”.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top