Tây Ban Nha trở thành vùng dịch lớn thứ 3 thế giới

15:24 - Thứ Hai, 23/03/2020 Lượt xem: 6380 In bài viết

Kênh CNBC đưa tin, tính đến ngày 22-3, với 28.572 ca mắc Covid-19, Tây Ban Nha trở thành vùng dịch lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc (hơn 81.000 ca) và Italy (hơn 53.000 ca). 

Chính phủ Tây Ban Nha đang xem xét kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm 15 ngày nữa (ban bố tình trạng khẩn cấp lần đầu vào ngày 14-3) để đối phó với tình hình dịch bệnh lan rộng. Mỹ đứng ngay sau Tây Ban Nha với gần 27.000 ca. Công ty chẩn đoán Cepheid có trụ sở tại bang California (Mỹ) cho biết Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thông qua biện pháp chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2, với thời gian phát hiện ra virus chỉ mất khoảng 45 phút. Cepheid được FDA cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với phương pháp chẩn đoán này, sẽ được ưu tiên sử dụng trong các bệnh viện và các phòng cấp cứu. Công ty dự kiến bắt đầu ứng dụng phương pháp này tại các bệnh viện ngay trong tuần tới.

Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy ngày 21-3 ghi nhận thêm 793 ca tử vong mới do Covid-19. Đây là số ca tử vong kỷ lục trong 1 ngày, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 ở Italy tăng vọt lên 4.825 người, chiếm 38,3% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới. Trước diễn biến tình hình phức tạp, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã công bố bổ sung các biện pháp nghiêm ngặt, thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân, đồng thời đóng cửa tất cả hoạt động sản xuất phi chiến lược, không thực sự cần thiết trên toàn lãnh thổ. Vùng Lombardia, tâm dịch miền Bắc Italy, cũng thông qua một loạt lệnh mới nhằm ngăn chặn dịch lây lan, trong đó có mức phạt lên đến 5.000 EUR với những trường hợp không tôn trọng lệnh cấm tụ tập ở nơi công cộng.

Pháp đã ghi nhận thêm 112 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này vì Covid-19 lên 562 trường hợp. Trong khi đó, số ca mắc nCoV ở Đức vượt quá 22.000 người. Như vậy, Đức hiện là nước có số ca nhiễm nhiều thứ ba ở châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha.

Tại Anh, Cơ quan Dịch vụ y tế nước này (NHS) đã đạt thỏa thuận với các bệnh viện tư trong nước để tăng cường thêm hàng ngàn giường bệnh, máy thở và đội ngũ nhân viên y tế đi kèm để đối phó với dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên một thỏa thuận “trưng dụng” kiểu này được thực hiện tại Anh, đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ năng lực của khu vực y tế tư nhân sẽ được tăng cường cho NHS. Theo đó, khoảng 8.000 giường bệnh, gần 1.200 máy thở cùng gần 20.000 nhân viên y tế thuộc các bệnh viện tư sẽ được bổ sung cho NHS từ đầu tuần tới. 

Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, Trung Quốc đại lục đã xác nhận thêm 46 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó chỉ có 1 trường hợp lây nhiễm trong nước, toàn bộ số ca còn lại là người từ nước ngoài đến. Trong khi đó, ngày thứ tư liên tiếp, Vũ Hán - tâm dịch của Trung Quốc - không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào.

Ngày 22-3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Nga bắt đầu gửi các bác sĩ quân y, chuyên gia trong lĩnh vực virus, dịch tễ học và trang thiết bị y tế hiện đại đến Italy để hỗ trợ nước này chống dịch. Cuba cũng đã gửi 52 nhân viên y tế đến Italy.

Nhật báo Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức đã có bài viết ca ngợi Việt Nam trong cuộc chiến ngăn chặn dịch Covid-19. Theo bài viết, là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, ngay khi quy mô dịch Covid-19 ở nước này được biết đến, Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng nhanh chóng và quyết liệt như quyết định cho học sinh nghỉ học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; từ tháng 3, nhiều bài giảng đã được thực hiện qua truyền hình...

Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt trong khâu xét nghiệm nCoV khi Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á phát triển thành công bộ kit xét nghiệm virus. Bài báo cho rằng bộ xét nghiệm này không chỉ cho kết quả có độ chính xác cao theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) mà còn có giá thành chỉ khoảng 17-26USD, thấp hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 215USD ở Đức. Cho đến nay, sản phẩm này đã được hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Italy, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, đề nghị đặt hàng.

Sau 3 tuần liên tiếp không phát hiện thêm ca nhiễm mới, Việt Nam hồi đầu tháng 3 đã hy vọng có thể tuyên bố hết dịch. Tuy nhiên, lại có thêm những ca nhiễm mới ở người đi du lịch về và chính phủ cũng như các tỉnh thành Việt Nam lại một lần nữa phải áp đặt các biện pháp kiên quyết để chống dịch.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top