Covid-19 kéo tăng trưởng GDP Lào tụt gần một nửa

16:14 - Thứ Năm, 23/04/2020 Lượt xem: 5550 In bài viết

Đại dịch Covid-19 có thể kéo tăng trưởng kinh tế Lào xuống còn hơn 50% do nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất lại là thế mạnh của Lào cũng như là một trong những nguồn thu ngân sách chính của Lào. Một loạt chính sách mà Chính phủ Lào chuẩn bị áp dụng vừa được công bố nhằm cứu vãn nền kinh tế sẽ giúp kinh tế Lào lấy lại mức tăng trưởng được đánh giá là cao trong khu vực từ mấy năm nay.

Tăng trưởng GDP của Lào luôn được đánh giá ở mức cao trong khu vực mấy năm gần đây.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào vừa đưa mức dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) Lào từ 6,1% năm 2019 xuống còn 3,3% năm 2020. Trước đó, mức tăng trưởng GDP dự kiến năm 2020 được Lào công bố chính thức là 6,5%.

Một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất của Lào là du lịch, có thể mất 350 triệu USD, theo Tiến sĩ Leeber Leebouapao, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào. Như vậy, riêng ngành này đã kéo tụt tăng trưởng GDP của Lào xuống 2%. Thủ đô Vientiane và tỉnh Luang Prabang là hai địa phương có ngành du lịch phát triển nhất nhưng lại cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đây là các trung tâm du lịch của Lào với khoảng năm nghìn doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các dịch vụ đi kèm.

Ngoài ra, ba đối tác thương mại lớn nhất của Lào là Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam đều có mức tăng trưởng dự kiến năm 2020 thấp hơn năm 2019 cũng là một nguyên nhân khiến kinh tế Lào phát triển chững lại. Riêng lĩnh vực xuất khẩu của Lào năm 2020 có thể chỉ đạt 483,3 triệu USD, giảm 8,4% so năm 2019. Theo đánh giá của Bộ Tài chính Lào, dịch bệnh Covid-19 có thể làm cho thu ngân sách giảm khoảng 5 đến 7 nghìn tỷ kíp Lào, tương đương với khoảng 20 đến 25% kế hoạch thu ngân sách năm 2020 của Chính phủ.

Những đánh giá dự kiến tăng trưởng GDP của Lào năm 2020 do một số tổ chức kinh tế quốc tế đưa ra có khác nhau, như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 3,5%, Ngân hàng Thế giới (WB) là 3,6%, tức là đều ở mức chỉ hơn 3% cho thấy, kinh tế Lào sẽ đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Tại một hội nghị mới đây do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandone chủ trì nhằm đối phó đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, đã tập trung triển khai mười chính sách và chín biện pháp về lĩnh vực kinh tế mà Chính phủ Lào đã ban hành. Một loạt biện pháp kích cầu, thúc đẩy kinh tế đã được đưa ra như nghiên cứu các đề xuất của các doanh nghiệp để giải quyết tác động, ảnh hưởng của biện pháp phòng ngừa và giám sát dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ đối với các doanh nghiệp trong nước, chính sách giải quyết những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ người dân, xã hội; nghiên cứu bổ sung các chính sách, biện pháp cần tập trung trước mắt.

Ngoài ra, Chính phủ Lào còn xem xét khả năng việc cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại với các điều kiện của doanh nghiệp cũng như dựa trên tình hình thực tế diễn biến của đại dịch. Theo đó, các doanh nghiệp phải có khu vực làm việc, nơi ở đặc biệt như: bảo đảm khoảng cách ít nhất một mét và theo các tiêu chuẩn y tế; hoạt động sử dụng số lượng lớn người lao động hoặc tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh phải chuẩn bị địa điểm cách ly, có phương tiện đón, đưa người bệnh trong trường hợp khẩn cấp; nếu nơi ở của nhân viên, công nhân cách xa địa điểm làm việc phải có xe đưa đón, trên xe bảo đảm khoảng cách tối thiểu một mét; có nước sạch sử dụng suốt 24 giờ, cung cấp đầy đủ xà phòng, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang bảo đảm tiêu chuẩn cho nhân viên, công nhân.

Những chính sách lớn mà Lào đã áp dụng là các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giãn nợ và gia hạn, hoãn thanh toán thuế, phí và lệ phí, quản lý giá hàng hóa và giải quyết vấn đề lao động; miễn nộp thuế thu nhập của người có thu nhập thấp hơn năm triệu kíp Lào, miễn nộp thuế, phí các loại hàng hóa liên quan đến công việc phòng, chống Covid-19; giảm giá nhiên liệu điện, nước, internet... và dành một số ưu đãi cho các doanh nghiệp ngân hàng, doanh nghiệp siêu nhỏ. Nếu áp dụng thành công những chính sách, biện pháp này, đi đôi với việc thúc đẩy kinh tế cá thể, tự cung tự cấp vốn có của một nền kinh tế nhỏ, dự trữ nội địa thấp nhưng có tốc độ phát triển GDP tương đối cao trong mấy năm gần đây, kinh tế Lào sẽ phát huy những thế mạnh và lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đây.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top