Các chiến dịch tiêm chủng bị đình trệ vì dịch Covid-19: Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh

15:38 - Thứ Hai, 04/05/2020 Lượt xem: 5789 In bài viết

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa cảnh báo một số dịch bệnh, trong đó có những bệnh đe dọa đến tính mạng con người song hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng vắc xin đang có nguy cơ bùng phát. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu bị đình trệ vì đại dịch Covid-19. 

Các chương trình tiêm chủng toàn cầu đã giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm.

Việc tạm dừng tiêm chủng bắt đầu ngày 24-3 khi các nhà lãnh đạo của Sáng kiến xóa sổ bại liệt toàn cầu (GPEI) kêu gọi các nước hoãn tất cả hoạt động tiêm phòng bại liệt đến nửa cuối năm nay. Theo Tiến sĩ Michel Zaffran, Giám đốc GPEI thuộc WHO, việc tiếp tục thực hiện tiêm chủng sẽ khiến cả cộng đồng và nhân viên y tế tuyến đầu có nguy cơ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Tới ngày 26-3, Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO về tiêm chủng (SAGE) đã đưa ra lời kêu gọi rộng hơn, khuyến nghị các quốc gia ngừng toàn bộ việc tiêm chủng.

Cho đến nay, ít nhất 14 chương trình tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bại liệt, sởi, dịch tả, sốt vàng da và viêm màng não ở nhiều nơi trên thế giới đã phải tạm dừng. Bên cạnh đó, các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới đã làm gián đoạn nguồn cung, khiến tình trạng thiếu hụt các loại vắc xin thêm trầm trọng. Ít nhất 21 nước có thu nhập thấp và trung bình đã thông báo hết vắc xin.

Trên thực tế, vắc xin đã trở thành vũ khí đồng hành cùng con người chiến thắng nhiều căn bệnh hiểm nghèo như đậu mùa, bại liệt, bạch hầu... Bệnh đậu mùa, từng cướp đi sinh mạng của 2 triệu người mỗi năm cho tới cuối những năm 1960 đã bị quét sạch vào năm 1979 sau những chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Thế giới đang tiến gần đến mốc thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt sau khi 85% trẻ sơ sinh trên toàn thế giới nhận được 3 liều vắc xin phòng bệnh. Số ca mắc bạch hầu, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi, cũng giảm từ 80.000 trường hợp năm 1975 xuống dưới 10.000 trường hợp như hiện nay. 

Lịch sử cũng cho thấy các dịch bệnh khác có thể tái bùng phát trong thời kỳ đại dịch hoành hành. Trong thời gian từ năm 2014 đến 2016 khi Ebola lây lan tại Guinea, Liberia và Sierra Leone, nhiều người dân tại các nước này đã tử vong vì HIV, bại liệt và sốt rét do không thể tiếp cận hệ thống y tế. Chuyên gia Rashid Ansumana tại Sierra Leone cho biết, đại dịch Covid-19 có thể gây tác động còn lớn hơn Ebola. Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) ước tính, gián đoạn tiêm chủng sẽ dẫn tới việc ít nhất 13,5-14 triệu người ở các nước kém phát triển nhất không được bảo vệ trước các bệnh như sởi, bại liệt…

Minh chứng rõ nhất là một số dịch bệnh như sởi và bạch hầu đã bùng phát tại Nam Á sau khi khoảng 5 triệu trẻ em ở khu vực này không được tiêm vắc xin định kỳ do hoạt động tiêm chủng bị gián đoạn. Tình hình tại châu Phi còn nghiêm trọng hơn. Một loạt các quốc gia nghèo ở lục địa này đã phải huy động nguồn tài chính ít ỏi để chống dịch Covid-19 và bỏ qua các chiến dịch tiêm chủng toàn quốc ngừa những căn bệnh khác. Giới chuyên gia y tế đặc biệt lo ngại châu Phi sẽ dễ bị tổn thương nhất nếu các căn bệnh có thể ngăn chặn bằng vắc xin bùng phát.

Mỗi năm, các hoạt động tiêm chủng giúp cứu sống từ 2 đến 3 triệu người. Mở rộng tiếp cận với tiêm chủng thường xuyên không chỉ là nền tảng cho một hệ thống y tế mạnh mẽ mà còn là cách thức phòng và chữa bệnh tiết kiệm nhất. Trong khi đại dịch Covid-19 chưa được khống chế thì những căn bệnh gây chết người đã được kiểm soát bằng vắc xin bùng phát trở lại sẽ vô cùng nguy hiểm. Do đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đề nghị chính phủ các quốc gia đang tạm dừng tiêm chủng cần khẩn trương lên kế hoạch tăng cường hoạt động này bởi đây là chìa khóa chống lại các dịch bệnh gây hậu quả nặng nề.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top