Đông Địa Trung Hải: Điểm nóng xung đột lợi ích

10:30 - Thứ Hai, 17/08/2020 Lượt xem: 4951 In bài viết

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tiếp tục gia tăng sau khi tàu chiến của hai nước va chạm tại khu vực giữa đảo Síp và đảo Crete. Để bảo vệ thành viên của mình, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí chuẩn bị các biện pháp chống Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả hoạt động hải quân của Ankara ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Dư luận thế giới hiện đang lo ngại vùng biển này sẽ trở thành điểm nóng về xung đột lợi ích.

Tàu khảo sát Oruc Reis và các tàu hộ tống của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Đông Địa Trung Hải.

Theo thông báo được đưa ra ngày 15-8, sau khi hội nghị khẩn cấp do Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell triệu tập, ngoại trưởng 27 quốc gia thành viên cho rằng, những động thái hải quân gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến tình trạng đối kháng và ngờ vực nghiêm trọng hơn. Nhận định mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi nghiêm trọng, các ngoại trưởng cho biết, một cuộc thảo luận sâu hơn về các mối quan hệ với Ankara sẽ được tổ chức trong tháng 8-2020.

Căng thẳng lần này bùng phát từ ngày 12-8, khi Thổ Nhĩ Kỳ điều một tàu khảo sát được các tàu chiến hộ tống để vẽ bản đồ lãnh hải phục vụ khoan thăm dò dầu khí ở khu vực cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều tuyên bố quyền tài phán. Tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển giữa đảo Síp và đảo Crete của Hy Lạp. Trong khi theo dõi hoạt động di chuyển này, tàu khu trục Limnos của Hy Lạp đã va chạm vào đuôi tàu khu trục của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự việc được mô tả như một vụ tai nạn, song Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng cảnh báo, bất kỳ hành động tấn công nào vào tàu Thổ Nhĩ Kỳ đang thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp trên Địa Trung Hải "sẽ phải trả giá đắt". Ankara cũng cáo buộc Pháp có động thái "bắt nạt" khi Paris tuyên bố “tạm thời củng cố” hiện diện quân sự tại Đông Địa Trung Hải để ủng hộ Hy Lạp.

Theo giới phân tích, diễn biến căng thẳng mới trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tiếp tục hé lộ những tính toán chiến lược của các bên tại vùng biển Đông Địa Trung Hải, trong đó trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực này là nguyên nhân chính.

Hồi đầu năm nay, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Israel đã ký một thỏa thuận xây dựng tuyến đường ống dưới biển East-Med dài 1.900km để vận chuyển khí đốt từ các mỏ khí phía Đông Địa Trung Hải qua Hy Lạp, Cộng hòa Síp, Italia và tỏa đến các nước châu Âu. Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025, vận chuyển được 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và được coi là một “cứu cánh” để châu Âu giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga. Đó là lý do khiến cuộc chiến trên “bàn cờ năng lượng” khu vực Địa Trung Hải này nhận được sự quan tâm của các quốc gia châu Âu, trong đó đi đầu là Pháp.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đưa tàu khảo sát Oruc Reis tới Đông Địa Trung Hải diễn ra chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận hàng hải giữa Ai Cập và Hy Lạp được ký kết nhằm thiết lập khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước. Đây được xem như sự đáp trả trực tiếp đối với thỏa thuận tương tự đạt được hồi tháng 11 năm ngoái giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Libya, giúp Ankara có thể tự do thăm dò dầu khí trên vùng biển của Libya ở Đông Địa Trung Hải.

Chính vì thế, ngay sau động thái của Ai Cập và Hy Lạp, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố khẳng định thỏa thuận phân định hàng hải nói trên nằm trong khu vực thềm lục địa của quốc gia này. Thậm chí, phía Ankara coi thỏa thuận này là "vô giá trị", đồng thời vi phạm chủ quyền hàng hải của Libya.

Những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng cứng rắn hơn trong các cuộc tranh chấp. Với những lợi ích khó có thể bỏ qua ở Đông Địa Trung Hải, nhiều nhà bình luận cho rằng, căng thẳng giữa Ankara và các bên liên quan sẽ tiếp tục leo thang; khi đó, vùng biển này có thể trở thành điểm nóng xung đột mới.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top