Đối phó với đại dịch Covid-19: Bài toán nan giải của Trung Đông

14:43 - Thứ Ba, 25/08/2020 Lượt xem: 4398 In bài viết

Là khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 muộn hơn những châu lục khác, song thời gian gần đây, Trung Đông liên tục chứng kiến số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng vọt. Việc đối phó với những hệ lụy do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang là bài toán nan giải đối với nhiều quốc gia tại khu vực này. Các chuyên gia thậm chí còn cảnh báo, việc vượt qua đại dịch với Trung Đông sẽ là một quá trình “đau đớn”.

Iran tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Iran, số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mỗi ngày là khoảng 2.000 người và hơn 100 người tử vong. Hiện chỉ còn khoảng 18%-20% người dân tuân thủ các quy định về phòng dịch và giãn cách xã hội, so với thời điểm hồi tháng 5-2020. Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng kể từ khi thông báo ca mắc Covid-19 đầu tiên đến nay, tổng số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại Iran đã vượt con số 350.000 người.

Người phát ngôn Chính phủ Iran Sima Sadat cho biết, tình hình dịch Covid-19 tại quốc gia này rất đáng lo ngại. Có tới 26/31 tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Tehran nằm trong "báo động đỏ". Cho đến nay, chính quyền các cấp của Iran vẫn chưa áp đặt lệnh phong tỏa bắt buộc trên toàn quốc, nhưng thực tế, các trường học vẫn bị đóng cửa, các sự kiện ngoài trời cũng bị hủy và việc đi lại giữa các tỉnh tiếp tục bị cấm từ hồi tháng 3-2020.

Có thể thấy, Iran đang trong tình thế khó khăn chồng chất khi vừa phải gồng mình chống đỡ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, vừa phải đối phó với dịch Covid-19. Cùng với cuộc khủng hoảng y tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình đốn, tình trạng thất nghiệp gia tăng đột biến do dịch bệnh đã đẩy nền kinh tế Iran tới cận kề bờ vực sụp đổ.

Những khó khăn hiện nay buộc Chính phủ Iran phải cân nhắc nối lại các hoạt động kinh doanh, dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại từ giữa tháng 4-2020. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo nguy cơ làm trầm trọng thêm sự lây lan của dịch Covid-19.

Tương tự Iran, số bệnh nhân mắc Covid-19 tại Israel cũng ở mức cao, dù cơ sở y tế nước này được đánh giá là khá tốt. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân số người mắc Covid-19 tăng mạnh ở nước này một phần do các cuộc biểu tình thời gian gần đây diễn ra với tần suất dày đặc. Nhất là khi Chính phủ Israel tăng cường áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh đang bùng phát. Họ yêu cầu chính phủ phải đưa ra những gói hỗ trợ tốt hơn cho họ và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dù tháng 5 vừa qua, Israel đã nới lỏng các biện pháp hạn chế. Ngày 23-8, Cảnh sát Israel đã bắt giữ 30 người biểu tình tụ tập trước tư dinh của Thủ tướng ở Jerusalem. Truyền thông địa phương ước tính đám đông biểu tình lên tới 10.000 người.

Tại Saudi Arabia, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch trên toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch Covid-19. Saudi Arabia hiện là một trong những quốc gia tại khu vực Trung Đông chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch. Tính tới cuối ngày 24-8, Saudi Arabia đã ghi nhận 307.479 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 3.649 người tử vong.

Giống với nhiều quốc gia khác, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đang đối mặt với một thách thức lớn chưa từng có trong năm nay khi giá dầu thô lao dốc kỷ lục. Đồng thời, các biện pháp kiểm soát đại dịch nhiều khả năng sẽ kiềm chế tốc độ và quy mô cải cách kinh tế sâu rộng do Thái tử Mohammed bin Salman đưa ra.

Các chuyên gia cảnh báo, vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế sẽ là một quá trình kéo dài và “đau đớn”. Nhưng với Trung Đông, một khu vực ẩn chứa nhiều mâu thuẫn xã hội, kinh tế suy thoái, giờ phải “đóng cửa” thêm một lần nữa sẽ là những thách thức không dễ vượt qua. Nhưng nếu để làn sóng Covid-19 tiếp tục hoành hành, tác hại đối với kinh tế - xã hội sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top