Các nước G20: Đồng lòng vì mục tiêu phát triển chung

15:19 - Thứ Hai, 07/09/2020 Lượt xem: 4944 In bài viết

Nhằm ứng phó với những khó khăn về kinh tế do dịch Covid-19 gây ra, hội nghị trực tuyến đặc biệt các bộ trưởng ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Saudi Arabia chủ trì đã khép lại vào ngày 4-9 với nhiều cam kết hợp tác. Điều này cho thấy sự đồng lòng của các nước G20 vì mục tiêu phát triển chung.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud chủ trì hội nghị trực tuyến các bộ trưởng ngoại giao G20.

Sau hơn 8 tháng gồng mình đối phó với dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái cùng thiệt hại khó có thể ước tính. Các nhà máy ngừng sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hàng hóa không vận chuyển được, cửa hàng, khu vui chơi, giải trí và hầu hết các dịch vụ phải đóng cửa. Hàng triệu lao động bị mất việc làm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, do các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội nhằm chống dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm ít nhất 6% trong năm 2020.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những "cơn gió ngược" kéo dài, bao gồm cả sự xuất hiện làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai, tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay do thời gian áp đặt các biện pháp phong tỏa kéo dài.

Dịch Covid-19 cũng khiến GDP của G20 giảm mạnh nhất trong hơn hai thập niên qua. Theo số liệu thống kê của OECD, các biện pháp nhằm kiểm soát dịch Covid-19 đã khiến GDP của G20 giảm 3,4% trong quý II-2020, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1998. Mới đây, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng đã dự báo các nước G20 có thể suy thoái kinh tế trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, bộ trưởng bộ ngoại giao các nước G20 đã thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác kết hợp với thực hiện các phương án phòng ngừa dịch bệnh xuyên biên giới nhằm bảo vệ tính mạng và sinh kế của người dân.

Trong tuyên bố chung đưa ra, G20 khuyến nghị cần thực thi chính sách tài khóa linh hoạt và hỗ trợ cho tăng trưởng, đồng thời duy trì tỷ lệ nợ công ở mức hợp lý. Chính sách tiền tệ cần tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động kinh tế và bảo đảm sự ổn định của giá cả. Bên cạnh đó, G20 cũng nhất trí cam kết sử dụng các công cụ chính sách hiện có để đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm. Trong khi tiến hành cải cách về cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, G20 sẽ có phương án bảo vệ để chống lại các nguy cơ suy thoái.

Theo nhận định của các nhà phân tích, mọi cuộc khủng hoảng kinh tế hay y tế toàn cầu phải được đáp ứng bằng một chiến lược đa phương. G20 rõ ràng là ứng cử viên cho vai trò điều phối viên toàn cầu. Có thể thấy được vai trò quan trọng của G20 trong đẩy lùi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Chiếm tới 85% sản lượng kinh tế toàn cầu, quy tụ 2/3 dân số thế giới, G20 đủ nhanh nhẹn và linh hoạt để đưa cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau.

Tính đến nay, các thành viên G20 và một số nước khác đã cam kết dành hơn 21 tỷ USD để hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Số tiền này được triển khai trực tiếp hỗ trợ hoạt động chẩn đoán, phát triển vắc xin, các biện pháp chữa trị, hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trước đó, các nhà lãnh đạo G20 cũng đưa ra sáng kiến hoãn nợ dành cho 73 nước nghèo nhất thế giới trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2020. Có tới 41 quốc gia đã đệ đơn xin trợ giúp theo sáng kiến này.

Việc G20 tiến hành hội nghị trực tuyến vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho thấy vai trò của nhóm trước những rủi ro xuất phát từ dịch bệnh không biên giới. Quan trọng hơn, sự phối hợp hành động này còn là trách nhiệm của các nước lớn đối với mối an nguy của thế giới.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top