Nhật Bản lựa chọn Thủ tướng mới: Cuộc đua tăng tốc

09:37 - Thứ Ba, 08/09/2020 Lượt xem: 5913 In bài viết

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã đưa ra thông báo từ chức vào ngày 28-8 vừa qua trong sự bất ngờ của dư luận đất nước Mặt trời mọc. Quyết định của Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử nước này cũng đã kích hoạt một cuộc đua đang tăng tốc trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cho vị trí người đứng đầu chính phủ.

Đảng LDP đã quyết định đơn giản hóa quy trình bầu lãnh đạo mới trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt với nhiều khó khăn.

Với việc chiếm đa số tại Hạ viện, người ngồi vào vị trí tân chủ tịch LDP sẽ trở thành vị thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản. Giới chức LDP cho biết, tiến trình bầu cử sẽ diễn ra nhanh gọn khi đảng này quyết định đơn giản hóa quy trình bầu lãnh đạo mới. Theo Tổng Thư ký LDP Toshihiro Nikai, việc áp dụng nguyên tắc thông thường, trong đó có việc lấy ý kiến của khoảng 1,08 triệu đảng viên LDP sẽ mất ít nhất 2 tháng chuẩn bị, đồng thời gây ảnh hưởng đến ngân sách và làm chậm trễ việc ứng phó với dịch Covid-19. Theo kế hoạch, chiến dịch tranh cử chủ tịch LDP sẽ bắt đầu vào ngày 8-9 trước khi 394 nghị sĩ và 141 đại biểu từ các cơ sở địa phương của LDP tiến hành bỏ phiếu, dự kiến vào ngày 14-9. Tiếp đó, Hạ viện Nhật Bản sẽ chọn ra thủ tướng mới. 

Hiện Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga (71 tuổi), nhân vật thân cận lâu năm của Thủ tướng A.Shinzo được xem là ứng viên hàng đầu. Ông nhận được sự ủng hộ của khoảng 70% các nghị sĩ LDP và đã công bố những chính sách ưu tiên được đánh giá cao, trong đó có mục tiêu vực dậy nền kinh tế thông qua việc duy trì chính sách kinh tế của Thủ tướng A.Shinzo (Abenomics), nỗ lực khống chế dịch Covid-19 với việc bảo đảm đủ vắc xin cho tất cả người dân Nhật Bản vào giữa năm tới, khắc phục chủ nghĩa cục bộ giữa các cơ quan của chính phủ...

Đối thủ ngang tầm của ông Y.Suga được cho là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba (63 tuổi), người cam kết sẽ xử lý dịch Covid-19 và một số tồn tại ở thủ đô Tokyo bằng các biện pháp cứng rắn nhưng theo đuổi chính sách mềm mỏng hơn trong các vấn đề đối ngoại. Các ứng viên tiềm năng khác là Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Taro Kono và cựu Bộ trưởng Ngoại giao, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách LDP Fumio Kishida. 

Theo lộ trình, người trúng cử sẽ đảm nhận vị trí Thủ tướng Nhật Bản cho đến hết nhiệm kỳ hiện tại của ông A.Shinzo, dự kiến kéo dài đến tháng 9-2021. “Thuyền trưởng” mới của Chính phủ đất nước Mặt trời mọc sẽ đối mặt với không ít thách thức. Trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc nhưng hai nước này vẫn đang chìm trong căng thẳng thương mại. Điều này đòi hỏi Tokyo phải tích cực mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia khác để tìm kiếm những động lực mới.

Bên cạnh đó, tân thủ tướng của Nhật Bản cũng phải tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh trong nước, trong đó có việc củng cố nền kinh tế, giải quyết những hệ lụy của dịch Covid-19 và tổ chức thành công Thế vận hội Tokyo vào năm 2021. Tới nay, các lãnh đạo LDP cũng đã đề cập tới phương án thủ tướng mới sau khi nhậm chức có thể xem xét giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử sớm, qua đó tìm kiếm sự ủy nhiệm và ủng hộ của công chúng đối với nội các mới, tạo cơ sở giải quyết những khó khăn đang đặt ra.

Dù nỗ lực khỏa lấp khoảng trống mà Thủ tướng A.Shinzo để lại vẫn đang ở phía trước, nhưng dư luận tin tưởng rằng nhà lãnh đạo tiếp theo của Chính phủ Nhật Bản sẽ hoàn thành trọng trách. Điều này không chỉ xuất phát từ quy trình lựa chọn khắt khe trong nội bộ đảng cầm quyền mà còn bởi Thủ tướng A.Shinzo trong hơn 7 năm tại vị đã để lại nhiều dấu ấn tích cực trong điều hành nền kinh tế, thiết lập nhiều tiền đề thuận lợi về chính trị cho phép củng cố vị thế của Nhật Bản trong một thế giới đang chứng kiến vô vàn biến động.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top