Ngăn ngừa lây lan dịch Covid-19: Tư vấn y tế trực tuyến nở rộ

15:39 - Thứ Tư, 09/09/2020 Lượt xem: 4249 In bài viết

Lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong môi trường bệnh viện và các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, nhiều người đã tìm đến các kênh tư vấn y tế trực tuyến. Họ có thể được các bác sĩ tư vấn và chẩn đoán bệnh thông qua video, điện thoại hay văn bản, thậm chí được kê đơn và nhận thuốc tại nhà... Loại hình tư vấn y tế trực tuyến này đang nở rộ tại nhiều quốc gia.

Bác sĩ nói chuyện với bệnh nhân qua cuộc gọi video tại một bệnh viện ở Gurugram (Ấn Độ).

Tại Mỹ, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa đã được biết tới. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế, các công ty bảo hiểm đã cung cấp các ứng dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người Mỹ tỏ ra nghi ngờ việc sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật số vì lo ngại kết quả điều trị không chính xác. Chỉ đến khi dịch Covid-19 xuất hiện, các quy định giãn cách xã hội yêu cầu mọi người ở nhà, các bệnh viện trở nên quá tải, các dịch vụ y tế trực tuyến mới thực sự được chú ý. Theo một phân tích của Công ty Tư vấn kinh doanh Frost & Sullivan, các dịch vụ y tế trực tuyến dự kiến tăng 64,3% vào năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 ở Mỹ.

Trong khi đó, tại châu Âu, dịch vụ kết nối bác sĩ và bệnh nhân thông qua tư vấn bằng video có bước khởi đầu khá chậm chạp vì sự thận trọng của bệnh nhân, môi trường pháp lý chưa đầy đủ, sự chênh lệch giữa các hệ thống chăm sóc sức khỏe và quy tắc bảo hiểm. Nhưng giờ đây, khi các bệnh viện đang phải vật lộn để đối phó với vi rút SARS-CoV-2, không ít người bệnh đã chuyển sang hình thức tư vấn y tế trực tuyến bằng video. Chính phủ cũng đặt qua một bên sự dè dặt, lo lắng về rủi ro của hình thức thăm khám này để nới lỏng các quy định. Theo hãng tin Bloomberg, năm 2018, Ủy ban châu Âu (EC) từng ước tính thị trường y tế trực tuyến toàn cầu sẽ đạt 37 tỷ euro (khoảng 42 tỷ USD) vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 14%. Tuy nhiên, thực tế có thể đã cao hơn dự đoán trên vì nhu cầu tư vấn y tế trực tuyến tăng lên, việc khám bệnh từ xa thông qua các cuộc gọi video trở nên thường xuyên hơn. Các chuyên gia y tế Pháp nhận định, hình thức tư vấn y tế trực tuyến từ mức không đáng kể sẽ chiếm khoảng 10% trong số 400 triệu ca tư vấn y tế hằng năm của nước này.

Việc ứng dụng công nghệ y tế từ xa thực sự được thúc đẩy tại Ấn Độ khi dịch Covid-19 bùng phát, gây thiếu hụt nhân viên y tế tuyến đầu cũng như trang thiết bị phòng, chống dịch. Một chương trình y tế kỹ thuật số quốc gia được Ấn Độ khởi động vào hồi tháng 2-2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan nhanh. Ở một quốc gia chỉ có 1% tổng sản phẩm nội địa (GDP) được chi cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng và trung bình một bác sĩ của Chính phủ chăm sóc cho hơn 11.000 người, thì rõ ràng y tế kỹ thuật số là cách duy nhất để nhiều người dân Ấn Độ tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe.   

Trong bối cảnh các ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục tăng cao ở châu Phi, thay vì đến trực tiếp bệnh viện, người dân chỉ cần ngồi nhà, truy cập đường link kết nối với trang chủ của một công ty công nghệ y tế để được bác sĩ tư vấn về tình hình sức khỏe và nhận được đơn kê thuốc điều trị. Helium Health, một công ty tại Nigeria chuyên số hóa dữ liệu y tế, đã khai thác dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến từ tháng 2-2020, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong tháng 5 vừa qua, công ty này đã thu hút được 10 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Dù chất lượng tư vấn và vấn đề bảo mật dữ liệu khách hàng vẫn còn một số hạn chế, nhưng không thể phủ nhận mô hình y tế trực tuyến là một giải pháp thiết thực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top