Phòng, chống dịch Covid-19: Cân bằng giữa sức khỏe và kinh tế

10:17 - Thứ Ba, 15/09/2020 Lượt xem: 4235 In bài viết

Sau hơn 8 tháng bùng phát dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục bị tác động nặng nề. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đang phải đau đầu tìm cách giải bài toán giữa cân bằng bảo vệ sức khỏe người dân với duy trì hoạt động nền kinh tế. Bài toán này chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt của các quốc gia.

Việc đeo khẩu trang là bắt buộc trong lớp học ở các vùng cảnh báo "vàng" về dịch bệnh tại Áo.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tốc độ lây lan Covid-19 có dấu hiệu chậm lại tại một số khu vực, đặc biệt tại các nước châu Mỹ như Mỹ và Brazil - hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, diễn biến dịch ở Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á vẫn khá phức tạp. Đặc biệt, Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, tiếp tục trở thành tâm dịch của thế giới. Một điểm khác cần lưu tâm là xu hướng lây lan dịch từ những người trong độ tuổi thanh niên và trung niên. Các số liệu ghi nhận trong thời gian gần đây cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm người trong độ tuổi 20-59 tăng cao bất thường. Những người trẻ cũng đang trở thành một trong những nguồn phát tán chính của dịch bệnh này ở châu Mỹ. 

Với những kết quả đáng ghi nhận trong cuộc đua sản xuất vắc xin hiện nay, WHO nhận định, dịch Covid-19 có thể chấm dứt trong vòng 2 năm. Điều này có nghĩa thế giới vẫn phải tiếp tục chống chọi với Covid-19 ít nhất cho đến hết năm 2021. Các biện pháp phòng dịch đang tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, phản ánh qua những con số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp, nợ công, lạm phát đều tăng, trong khi nhiều nước đã hoặc sắp chính thức bước vào suy thoái sâu. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo, 100 triệu người có thể trở lại cảnh nghèo cùng cực do tác động của đại dịch.

Trước thực tế “cuộc chiến” chống dịch bệnh còn phải kéo dài và nền kinh tế tiếp tục đi xuống, ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt của đời sống xã hội, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải ráo riết đi tìm lời giải cho bài toán cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng với bảo vệ nền kinh tế.

“Sống chung với dịch” đang là cách tiếp cận được ưu tiên hiện nay. Nhiều chính phủ chủ trương, nơi nào bùng phát dịch thì cách ly nơi đó, tránh làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung và hệ thống giáo dục. Do các nước đã có biện pháp cũng như sự chuẩn bị ứng phó tốt hơn nên có thể phòng, chống dịch mà không cần phải tiến hành phong tỏa toàn diện.

Ví dụ như Áo, mới đây, chính phủ nước này đã thông báo kế hoạch phân loại địa phương theo màu sắc xanh, đỏ, vàng tùy theo mức độ nguy cơ của dịch bệnh và cư dân tại đây phải thực hiện các biện pháp phòng dịch tương ứng. Ở các vùng "vàng", việc đeo khẩu trang là bắt buộc tại trường học, các cơ sở kinh doanh bán lẻ, khu ăn uống trong khi việc tổ chức sự kiện cũng bị hạn chế. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Áo, ông Rudolf Anschober, sự phân vùng này ngoài việc nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh, còn giúp hạn chế tác động về mặt kinh tế với những địa phương có nguy cơ thấp. 

Tại Việt Nam, với phương châm chủ động, bình tĩnh, sau khi đợt dịch mới bùng phát từ cuối tháng 7-2020, một lần nữa, toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta đã vào cuộc nhằm thiết lập cuộc sống trong trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ các biện pháp kịp thời, kiên quyết, bài bản và đồng bộ, đến nay Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều địa phương khác đã khống chế sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2.

Trong bối cảnh hiện nay, vừa chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội là "mục tiêu kép" được hầu hết chính phủ các nước thực hiện. Nói cách khác, chủ động thích nghi với trạng thái bình thường mới trong cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội sẽ là “chìa khóa” để vượt qua cơn khủng hoảng này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top