Bùng phát chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan

10:13 - Thứ Ba, 29/09/2020 Lượt xem: 5184 In bài viết

Đợt xung đột quân sự quy mô lớn đang diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh khiến ít nhất 39 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, trong đó có cả dân thường. Cộng đồng quốc tế đã lập tức có những bước đi ngoại giao nhằm kiềm chế các bên đối đầu.

Bùng phát xung đột quân sự

Reuters ngày 28-9 cho biết, các cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan đã kéo dài sang ngày thứ hai liên tiếp với việc cả hai bên cáo buộc bị đối phương tấn công bằng pháo. Chiến sự nổ ra từ sáng 27-9. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Armenia, Azerbaijan đã bất ngờ tấn công trước các khu định cư ở vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh do lực lượng thân Armenia kiểm soát, kéo theo một cuộc phản công của Armenia. Ở chiều ngược lại, Bộ Quốc phòng Azerbaijan bác bỏ thông tin do Armenia đưa ra, cho biết lực lượng nước này buộc phải phát động “tấn công đáp trả nhằm trấn áp hoạt động chiến đấu của Armenia và đảm bảo an toàn cho người dân”.

Nagorno-Karabakh, có diện tích khoảng 4.400km2, là vùng lãnh thổ đồi núi nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan và được công nhận rộng rãi thuộc chủ quyền Azerbaijan - quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở Nagorno-Karabakh lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ Đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Tranh cãi về vùng đất này khiến Armenia và Azerbaijan căng thẳng nhiều thập kỷ, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994, khi chính quyền tự trị ở Nagorno-Karabakh đòi ly khai để sáp nhập vào Armenia.

Sau cuộc chiến, Azerbaijan mất quyền kiểm soát với Nagorno-Karabakh vào tay lực lượng địa phương do Armenia hậu thuẫn. Chính quyền ở Nagorno-Karabakh thành lập nước Cộng hòa Artsakh tự xưng, theo Sputnik, nhưng không được quốc tế công nhận. Những năm gần đây, các đợt xung đột nhỏ vẫn tiếp diễn ở Nagorno-Karabakh, mới nhất là vụ đụng độ khiến hàng chục người chết hồi tháng 7-2020, mà cả hai cùng tuyên bố chiến thắng.

Về thiệt hại sau hai ngày giao tranh mới nhất, theo thống kê của Guardian và Reuters, ít nhất 39 người đã chết. Trong đó, chính quyền ở Nagorno-Karabakh thân Armenia xác nhận, 17 binh sĩ và hai dân thường của họ thiệt mạng hôm 27-9, 15 người thiệt mạng hôm 28-9, hơn 100 người bị thương. Phía Azerbaijan báo cáo, 5 dân thường, cùng là thành viên trong một gia đình, qua đời trong các đợt pháo kích do Armenia tiến hành; một số người khác bị thương.

Theo Sputnik, Armenia tuyên bố đã bắn hạ 10 xe tăng, 4 trực thăng và 15 máy bay không người lái (UAV) của Azerbaijan, song Azerbaijan chỉ xác nhận mất một trực thăng. Azerbaijan cũng khẳng định đã tiêu diệt 12 hệ thống phòng không của Armenia và giành quyền kiểm soát 6 ngôi làng, một đồi chiến lược ở Nagorno-Karabakh. Cả hai bên đồng thời công bố nhiều video ghi lại hình ảnh phương tiện đối phương bị bắn trúng để chứng minh cho phát ngôn.

Vẫn theo Sputnik, hai nước đã lần lượt ban bố tình trạng thiết quân luật và chưa bên nào cho thấy thái độ sẵn sàng lùi bước. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nhấn mạnh, ông tự tin giành lại quyền kiểm soát đối với khu vực ly khai “Chúng ta chỉ bảo vệ lãnh thổ, đó là quyền của chúng ta”, ông Aliyev nói. Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan kêu gọi lực lượng dự bị động viên cả nước đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự chống lại Azerbaijan. “Người Armenia đã sẵn sàng cho chiến tranh”, ông Nikol Pashinyan nhấn mạnh.

Một hệ thống pháo của lực lượng thân Armenia ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: Getty Images.

Cộng đồng quốc tế vào cuộc

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ mất ổn định tại khu vực Nam Kavkaz, một trong những hành lang đường ống vận chuyển dầu và khí đốt quan trọng của thế giới, theo Reuters. Các nỗ lực ngoại giao đang gấp rút được triển khai nhằm hạ nhiệt “những cái đầu nóng”, mở đầu bằng việc Nga – quốc gia thường làm trung gian hòa giải Armenia-Azerbaijan và cũng là một trong 3 nước bảo trợ lệnh ngừng bắn năm 1994 (cùng Pháp và Mỹ) – ngày 27-9 kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay tức thì và ngồi trở lại bàn đàm phán.

Theo TASS, Tổng thống Vladimir Putin ngày 27-9 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Pashinyan, trong đó nhấn mạnh các bên “phải làm mọi thứ để ngăn các hoạt động thù địch leo thang”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày đã trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp của Armenia, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có quan hệ chính trị gần gũi với Baku, để thảo luận về khả năng lập tức tổ chức một cuộc đàm phán ngừng bắn.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc  Antonio Guterres, trong thông điệp phát đi ngày 27-9, kêu gọi các bên dừng hoạt động quân sự ở Nagorno-Karabakh. Ông Guterres “đặc biệt quan ngại” về việc các bên để xảy ra xung đột vũ trang, lên án việc sử dụng vũ lực khiến nhiều người, bao gồm dân thường thương vong. Bộ Ngoại giao Pháp thì cam kết sẽ cùng các đối tác Nga và Mỹ hành động để tiến tới một giải pháp bền vững giúp tháo gỡ xung đột thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas có cùng kêu gọi về việc các bên chấm dứt giao tranh tại vùng Nagorno - Karabakh và khẳng định đàm phán là con đường duy nhất có tác dụng. Từ Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng cho biết Washington đang xem xét vụ việc và cân nhắc biện pháp ngăn chặn xung đột.

Giới quan sát đánh giá, những nỗ lực hiện nay của cộng đồng quốc tế là rất đáng ghi nhận, song chưa kịp thời và cần mạnh mẽ hơn nữa. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh, nhưng chưa tìm được giải pháp do không bằng lòng với các phương án hòa giải.

“Chúng ta chỉ cách một cuộc chiến tranh quy mô lớn một bước nữa thôi. Một trong những lí do dẫn đến tình huống này là cộng đồng quốc tế đã chưa có bước đi hòa giải chủ động nào trong nhiều tuần”, bà Olesya Vartanyan thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cảnh báo.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top