Xung đột tại Nagorny - Karabakh: “Mồi lửa” bất ổn tại Trung Á

14:45 - Thứ Tư, 30/09/2020 Lượt xem: 5924 In bài viết

Tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ giữa Azerbaijan và Armenia liên quan tới Nagorny - Karabakh đang có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột quân sự toàn diện khi căng thẳng liên tục leo thang tại khu vực này. Ngày 29-9 (giờ Việt Nam), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi lãnh đạo các nước Azerbaijan và Armenia thực hiện ngay lập tức những bước đi nhằm thiết lập ngừng bắn tại khu vực tranh chấp Nagorny - Karabakh, dập tắt “mồi lửa” bất ổn tại khu vực Trung Á.

Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan về Nagorny - Karabakh đã kéo dài nhiều năm qua.

Xung đột tại Nagorny - Karabakh lần này bùng phát vào ngày 27-9 sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa quân đội Armenia và Azerbaijan. Armenia cho rằng các lực lượng Azerbaijan đã nã pháo về phía khu vực Nagorny - Karabakh, trong đó có thành phố Stepanakert. Cùng lúc, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo triển khai một chiến dịch phản công và bảo vệ người dân sau khi lực lượng Armenia nã pháo vào quân đội nước này và tấn công các địa điểm dân sự. Các cuộc giao tranh đã khiến ít nhất 95 người thiệt mạng, trong đó có 11 dân thường.

Nhìn lại lịch sử, căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan đã có từ đầu thế kỷ XX. Ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga, hai nước giành được độc lập và cùng tuyên bố chủ quyền đối với vùng Nagorny - Karabakh. Tuy nhiên, từ khi Armenia và Azerbaijan về chung dưới “mái nhà” Liên bang Xô viết (năm 1920), các căng thẳng về lãnh thổ này dịu đi. Nagorny - Karabakh được hưởng quy chế khu tự trị và nằm trong nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan. 

Theo các nhà phân tích, căng thẳng tồn tại ở Nagorny - Karabakh bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc. Vùng này cư dân đa phần là người Armenia và họ có nguyện vọng sáp nhập với Armenia, thoát khỏi sự chi phối của người Azerbaijan. Ngoài ra, tôn giáo của Azerbaijan là Hồi giáo, còn đa phần người Armenia là tín đồ đạo Kito.

Việc Liên bang Xô viết sụp đổ vào năm 1991 đã dỡ bỏ hàng rào ngăn cách khiến hai nước tiếp tục lao vào cuộc tranh chấp. Kết quả là, Quốc hội Azerbaijan bãi bỏ hiện trạng của Karabakh là một tỉnh tự trị, đổi tên thủ phủ của khu vực này thành Sankandi. Ngược lại, một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ở Karabakh, người Armenia bỏ phiếu áp đảo ủng hộ ly khai. Ngày 6-1-1992, Nagorny - Karabakh tuyên bố độc lập từ Azerbaijan. Kể từ đó đến năm 1994, đối đầu giữa hai nước láng giềng đã leo thang thành hành động quân sự trên diện rộng nhằm giành quyền kiểm soát tại khu vực tranh chấp. Để xoa dịu tình hình, các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Nagorny - Karabakh đã được tổ chức với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cùng vai trò tham gia của nhiều nước, tuy nhiên xung đột vẫn tái diễn. Từ năm 2008 đến nay, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Trên thực tế, Armenia lâu nay được Nga hỗ trợ. Trong khuôn khổ hiệp ước tương trợ an ninh, Nga cung cấp rất nhiều vũ khí cho Armenia. Trong khi đó, Azerbaijan nhận được sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ Azerbaijan trong vấn đề Nagorny - Karabakh đồng thời thể hiện rõ lập trường phải khôi phục chủ quyền của Azerbaijan đối với khu vực này.

Cộng đồng quốc tế lo ngại, các vụ đụng độ đang diễn ra tại Nagorny - Karabakh sẽ không chỉ làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan, mà còn gây ra bất ổn lan rộng khắp khu vực Trung Á. Khi có sự tham gia của bên thứ ba, những diễn biến tại khu vực này sẽ càng trở nên khó lường.

Theo kế hoạch, 4h ngày 30-9 (giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành họp khẩn để tìm giải pháp, đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top