Liên hợp quốc kêu gọi các nước đóng góp cho quỹ vắc xin toàn cầu

10:55 - Thứ Năm, 01/10/2020 Lượt xem: 5168 In bài viết

Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến ngày 30-9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước đóng góp ngay 15 tỷ USD cho quỹ chung toàn cầu nhằm đảm bảo việc mua sắm và phân phối vắc xin ngừa Covid-19.

Tổng Thư ký A.Guterres cho rằng, những khoản cam kết này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo mua sắm, sản xuất và dự trữ vắc xin, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và giúp các nước tối ưu hóa được lợi ích của vắc xin khi những sản phẩm này được đưa ra thị trường.

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 1-10, toàn thế giới đã ghi nhận 34.134.247 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 1.018.012 ca tử vong.

Malaysia đang có nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 mới.

Châu Á

Các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Philippines vẫn dẫn đầu các nước ASEAN về tổng số ca mắc bệnh, song số ca tử vong tiếp tục giảm trong những ngày gần đây.

Indonesia hiện là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất tại Đông Nam Á khi ngày 30-9 ghi nhận số ca bệnh mới là 4.284 ca và 139 ca tử vong. Indonesia cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.

Tại Malaysia, ngày 30-9 ghi nhận 89 ca nhiễm mới, trong đó có 86 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 11.224 ca.

Tại Myanmar, tình hình đang xấu đi khi nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong tăng. Myanmar đã trở thành ổ dịch mới tại Đông Nam Á.

Tại Lào, Bộ Y tế nước này nêu rõ, các nhà chức trách và người dân trên cả nước cần duy trì cảnh giác và tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được khuyến cáo.

Cùng ngày, Cơ quan Viện trợ nước ngoài của Hàn Quốc (KOICA) thông báo sẽ hỗ trợ 18 triệu USD cho một cơ quan của Liên hợp quốc phụ trách việc thực thi các dự án phát triển nhằm cung cấp các trang thiết bị vật tư y tế liên quan đến Covid-19 và phân phát cho các nước đang phát triển ở Đông Nam Á và châu Phi.

Châu Mỹ

Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 7,4 triệu ca mắc Covid-19 và trên 211.000 ca tử vong. Trong đó, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại New York ở mức trên 3% lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, buộc nhà chức trách phải siết chặt các hạn chế. Chính quyền New York sẽ bắt đầu xử phạt những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, với mức phạt lên tới 1.000 USD, và cử hàng trăm nhân viên thực thi pháp luật tới các điểm nóng để giám sát việc người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Ngoài ra, nhiều khả năng các trường học sẽ phải đóng cửa trở lại nếu tỷ lệ mắc Covid-19 liên tục ở mức trên 3% trong 7 ngày.

Ngày 30-9, Bộ trưởng Giao thông Canada Marc Garneau cho biết, quốc gia này bổ sung 11 sân bay vào danh sách cần tiến hành quét thân nhiệt bắt buộc đối với tất cả hành khách, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Châu Âu

Chính phủ Romania ngày 30-9 thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.158 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca nhiễm lên 127.572 ca, trong đó có 4.825 ca tử vong (cao nhất khu vực Đông Âu). Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Romania đã gia hạn tình trạng cảnh báo đến giữa tháng 10 tới.

Chính phủ Phần Lan đã quyết định rút ngắn giờ mở cửa của các nhà hàng và quán bar. Ngoài ra, các nhà hàng cũng chỉ được phép phục vụ 50% số khách so với mức thông thường.

Tại Bỉ, một trong những nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, số ca tử vong đã tăng lên trên 10.000 ca, trong khi số ca mắc tăng từ 115.353 ca lên 117.115 ca.

Hội đồng An ninh quốc gia Ukraine cho biết, nước này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức cao nhất từ trước tới nay với 4.027 ca trong 24 giờ qua. Tính đến ngày 30-9, Ukraine có 208.959 ca mắc, trong đó có 4.129 ca tử vong.

Ngày 30-9, Chính phủ Cộng hòa Séc đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề xuất của Bộ trưởng Y tế nước này Roman Prymula, có hiệu lực từ 0h ngày 5-10 với thời hạn 30 ngày, cùng với các biện pháp hạn chế mới. Theo đó, Cộng hòa Séc sẽ hạn chế số người tham gia các sự kiện tập trung đông người trong không gian kín tối đa là 10 người và 20 người ở nơi công cộng, trong vòng 2 tuần từ ngày 5-10. Các sự kiện thể thao vẫn được tổ chức nhưng không có khán giả.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top