Thủ đô Paris và ba tỉnh phụ cận ở mức báo động tối đa vì dịch Covid-19

15:25 - Thứ Hai, 05/10/2020 Lượt xem: 4138 In bài viết

Tối 4-10, Văn phòng Thủ tướng Pháp ra thông báo về việc đặt Thủ đô Paris và ba tỉnh phụ cận vào vùng "báo động đỏ" trong ít nhất 15 ngày vì dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh.

Nhà hàng và quán cà-phê ở vùng thủ đô tiếp tục được mở cửa nhưng phải tuân thủ quy định chống dịch nghiêm ngặt hơn. (Ảnh: Le Parisien).

Như vậy, từ ngày 6-10, tất cả các quán bar sẽ phải đóng cửa và các trường đại học phải giảm một nửa số lượng sinh viên đến lớp. 

Quyết định này đã được Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran đề cập đến trong ngày 1-10 khi nói rằng vùng thủ đô Ile-de-France trong đó có Paris và ba tỉnh phụ cận gồm Hauts-de-Seine, Seine-Saint-Denis và Val-de-Marne có thể được đặt trong tình trạng "báo động đỏ - mức cảnh báo cao nhất" từ tuần tới nếu sự lây lan của dịch Covid-19 không giảm.

Trước đó, mức báo động cao nhất đã được ban hành ở vùng đô thị Aix-Marseille ở phía nam và đảo hải ngoại Guadeloupe, với việc đóng cửa toàn bộ nhà hàng và quán bar. 

Dịch Covid-19 tiếp tục lây lan rộng ở Pháp trong nhiều ngày qua với kỷ mục gần 17 nghìn ca nhiễm mới trong ngày 3-10 và gần 13 nghìn trong ngày 4-10. Số người nhập viện cũng như ca hồi sức cấp cứu tăng từng ngày ở mức rất đáng lo ngại. Trước tình hình đó, Chính phủ Pháp buộc phải ban hành các biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế tiếp xúc tại các nơi có đông người đến như nhà hàng, quán bar và quán cà-phê.

Theo Văn phòng Thủ tướng Pháp, các nhà hàng có thể mở cửa nếu tuân thủ quy trình y tế chống dịch nghiêm ngặt dự kiến được công bố trong ngày 5-10. Với việc bị đặt trong tình trạng "báo động đỏ," chính quyền vùng thủ đô sẽ ban hành lệnh cấm mở cửa đối với quán bar và cũng như việc cấm tụ tập hơn 10 người tại nơi công cộng. Từ ngày 6-10, các trường đại học chỉ được phép tiếp nhận 50% số sinh viên đến lớp hoặc giảng đường vào cùng một thời điểm trong ngày.

Từ giữa tháng 9, mỗi ngày có hàng chục nghìn ca nhiễm mới ở Pháp so với chưa đầy một nghìn trong tháng 7. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính cũng tăng lên, từ mức dưới 1% vào đầu tháng 7 lên tới 8,2% vào ngày 4-10. Trong vòng một tuần qua, có 4.264 ca nhập viện trong đó có 893 ca hồi sức cấp cứu trên toàn quốc. Tỷ lệ tử vong cũng tăng dần với trung bình 55 ca/ngày tính từ ngày 27-9 đến 4-10 so với khoảng 10 ca/ngày trong hai tháng hè 7 và 8.

Vùng thủ đô vẫn là điểm nóng nhất với tỷ lệ lây nhiễm là hơn 250 ca/100 nghìn dân. Giám đốc Cơ quan Y tế vùng thủ đô, Aurelien Rousseau cho biết, số ca nhiễm mới và ca nhập viện tăng hằng ngày là bằng chứng rõ ràng về tình trạng lây lan ở mức báo động.

Để không phải triển khai phong tỏa toàn quốc như hồi tháng 3, Chính phủ Pháp đã xây dựng hệ thống cảnh báo theo 3 cấp độ với các biện pháp khác nhau nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời duy trì hoạt động kinh tế.

Kể từ tháng 3, ngành dịch vụ gồm khách sạn, nhà hàng, quán bar... bị thiệt hại nặng nề nhất khi có khoảng 15% trong tổng số 220 nghìn cơ sở có nguy cơ phá sản và 250 nghìn người có thể mất việc làm. Dù vậy, nguy cơ lây nhiễm ở những nơi này được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng số người nhiễm mới trong thời gian gần đây.

Dự kiến hôm nay, đại diện chính quyền vùng thủ đô sẽ có cuộc họp báo để thông báo về các biện pháp có hiệu lực từ ngày 6-10. Sau 15 ngày, Chính phủ Pháp sẽ xem xét tình hình dịch bệnh và đưa quyết định mới.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top