Nguy cơ xuất hiện làn sóng Covid-19 mới: Thế giới nỗ lực để tránh kịch bản xấu

10:58 - Thứ Tư, 07/10/2020 Lượt xem: 4580 In bài viết

Ngày 5-10, Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cảnh báo, thế giới đang bước vào một giai đoạn khó khăn khi dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng. Nhiều ý kiến cho rằng, các nước trên thế giới phải nỗ lực triển khai những biện pháp cấp thiết để tránh nguy cơ xuất hiện một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.

Đội ngũ y tế trong các bệnh viện tại Czech được tăng cường khi số ca mắc Covid-19 tăng mạnh thời gian gần đây.

Theo tính toán của WHO, cứ trung bình khoảng 3-4 ngày lại có thêm 1 triệu người mắc Covid-19. Các điểm bùng phát dịch đang gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới. Pháp, Anh chưa giảm được số ca mắc theo ngày. Czech - quốc gia thành công trong việc kiểm soát làn sóng dịch thứ nhất, cũng đang chật vật khi số bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh.

Tình hình dịch bệnh xấu đi tại châu Âu đặt ra câu hỏi rằng, dường như đã có một khâu nào đó “lệch nhịp” trong toàn bộ quy trình bảo đảm an toàn khi các nước mở cửa trở lại. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo, diễn biến dịch bệnh trước mắt tại Lục địa già đang “rất nghiêm trọng”. Còn Giám đốc khẩn cấp của WHO tại châu Âu Dorit Nitzan gọi đây là “lời cảnh tỉnh” khi người dân các quốc gia châu lục này thời gian qua dần lơ là, thiếu cảnh giác trước dịch bệnh. Lãnh đạo các nước châu Âu cũng liên tục bày tỏ lo ngại rằng, các bệnh viện sẽ đối mặt với nguy cơ quá tải trong những tháng tới.

Tương tự châu Âu, dịch bệnh tại Mỹ và nhiều quốc gia khác tại châu Mỹ cũng đang có xu hướng tăng mạnh trở lại như thời kỳ đỉnh dịch vào tháng 3-2020. Hiện, 9 bang của Mỹ đang ghi nhận mức tăng kỷ lục các ca mắc Covid-19 trong 7 ngày qua, chủ yếu tập trung ở miền Tây và Trung Tây, nơi thời tiết lạnh buộc nhiều hoạt động phải thực hiện trong nhà. Trong khi đó, Mỹ Latinh đang được cho là nơi khó kiểm soát dịch bệnh nhất khi chiếm tới 33,8% số ca tử vong và 27% số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên toàn cầu. 5 quốc gia của khu vực này, gồm Brazil, Colombia, Peru, Mexico, Argentina nằm trong số 10 nước có số ca lây nhiễm cao nhất thế giới.

Tại châu Á, dù số ca mắc mới Covid-19 ở Ấn Độ, nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng nề thứ hai thế giới, đã giảm nhẹ song vẫn duy trì ở mức trên 74.000 người/ngày. Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Philippines cũng ghi nhận trên 3.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Những con số nói trên là lời cảnh tỉnh về làn sóng dịch bệnh mới nếu các quốc gia không đưa ra biện pháp cấp thiết để ngăn chặn đà lây lan đang có xu hướng tăng nhanh. Theo thống kê của các nhà khoa học, mốc 500.000 ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận sau hơn 6 tháng dịch bùng phát. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, thêm 500.000 bệnh nhân nữa đã ra đi trong làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Theo ông M.Ryan, trong bối cảnh các nước phải chọn giải pháp nới lỏng dần các biện pháp hạn chế để khôi phục nền kinh tế, chỉ có duy trì và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, thế giới mới có thể tránh được kịch bản tồi tệ. Đó là số người nhiễm Covid-19 tăng đột biến dẫn tới số ca tử vong có thể lên tới mốc 2 triệu trường hợp.

Trên thực tế, khi nhiều nước gỡ bỏ phong tỏa, tốc độ lây nhiễm đã tăng nhanh trở lại do các hoạt động gặp gỡ, tụ tập đông người, du lịch… bùng nổ. Trong khi đó, nhiều người không tuân thủ các biện pháp phòng dịch cơ bản, như: Đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên sát khuẩn tay và bảo đảm giãn cách. Hậu quả khôn lường là làn sóng dịch thứ hai bùng phát chỉ khoảng 3 tháng sau làn sóng thứ nhất và gây tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều. Bởi vậy, việc nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trước hết để tự bảo vệ mình, từ đó đóng góp cho sự an toàn của cộng đồng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top