Thị trường việc làm của Mỹ không thể hồi phục trước năm 2023

15:17 - Thứ Sáu, 09/10/2020 Lượt xem: 5977 In bài viết

Ngày 9-10, kết quả khảo sát ý kiến các chuyên gia kinh tế mới nhất do tờ Wall Street Journal (WSJ) công bố cho thấy, thị trường lao động Mỹ sẽ không thể phục hồi hoàn toàn trước năm 2023 trong bối cảnh đại dịch vẫn hoành hành. Thông tin này được đưa ra khi số ca mắc Covid-19 thế giới tăng lên 36.722.354 người, trong đó 1.066.098 trường hợp tử vong.

Các nước châu Âu siết chặt biện pháp phòng dịch trong bối cảnh số bệnh nhân tăng mạnh.

Châu Mỹ

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, trong tháng 9 vừa qua nước Mỹ giảm gần 11 triệu việc làm so với hồi tháng 2. Gần 4 triệu việc làm trong lĩnh vực giải trí, khách sạn bị biến mất ngay khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình phục hồi ngành du lịch, khách sạn sẽ chậm hơn so với dự báo trước đó bởi tỷ lệ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tăng. Và giờ đây khi mùa cúm tới gần, nước Mỹ và thế giới nói chung vẫn chưa có vắc xin hữu hiệu, chưa kể những biến động xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 9-10, Moderna - công ty sở hữu bản quyền liên quan tới vắc xin phòng vi rút gây bệnh Covid-19 tuyên bố sẽ không giữ độc quyền các sáng chế của mình liên quan tới vắc xin này. Như vậy, các hãng dược khác và cả các chính phủ trên thế giới không phải lo ngại Moderna ngăn cản việc điều chế các loại vắc xin chống Covid-19 có sử dụng những công nghệ mà Moderna đang sở hữu độc quyền. Hiện công ty đang thử nghiệm vắc xin Covid-19 ở giai đoạn 3 và có thể cho kết quả trong vài tuần tới.

Châu Âu

Do số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong ngày tăng cao nhất từ trước tới nay, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic đã kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Trong 24 giờ qua, Croatia ghi nhận thêm 542 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát trong nước, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên gần 19.000 ca, trong đó có 310 ca tử vong.

Ước tính, kinh tế Croatia, vốn dựa vào ngành du lịch, sẽ suy giảm khoảng 10% trong năm nay.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Séc Roman Prymula thông báo, chính phủ nước này sẽ đóng cửa các cơ sở thể thao trong nhà và các tụ điểm văn hóa trong vòng hai tuần (từ ngày 12-10 tới) để làm chậm lại đà lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Giới chức Cộng hòa Séc cũng cho biết, các nhà hàng sẽ phải đóng cửa vào lúc 20h hằng ngày, học sinh các trường từ cấp trung học cơ sở trở lên sẽ luân phiên học trên lớp và học trực tuyến.

Trong khi đó, Chính phủ Anh đang cân nhắc áp đặt bổ sung các biện pháp hạn chế đối với các khu vực ở phía Bắc England khi làn sóng thứ hai của dịch đang có chiều hướng gia tăng tại đây. Theo tờ The Sun, Thủ tướng Boris Johnson sẽ chỉ thị các quán rượu và nhà hàng tại nhiều khu vực phía Bắc England, trong đó có các thành phố Manchester, Liverpool, đóng cửa từ ngày 12-10 tới để ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Tại Italia, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết, nước này sẽ quy định bắt buộc xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 đối với những người nhập cảnh từ Anh, Hà Lan, Bỉ và Cộng hòa Séc.

Châu Á

Tại khu vực châu Á, tình hình vẫn diễn biến phức tạp khi Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay với 4.850 ca, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 320.564 ca, trong đó có 11.580 ca tử vong. Indonesia là quốc gia có số người tử vong do mắc Covid-19 cao nhất khu vực.

Tương tự, Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 2.363 ca mắc mới và 144 ca tử vong. Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất tại Philippines trong hơn 3 tuần qua. Như vậy, nước này đến nay có 331.869 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.069 ca tử vong. Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Trước tình hình dịch bệnh đáng lo ngại trên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới suy thoái và có thể đẩy 115 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực. Con số này cao hơn mức 100 triệu người mà WB dự báo hồi tháng 8 vừa qua. Đây là sự đảo ngược những tiến bộ đạt được sau hàng thập kỷ nỗ lực giảm nghèo của thế giới. Đáng lo ngại hơn khi có tới 40% người nghèo đang phải đối mặt với cả kinh tế khó khăn lẫn xung đột vũ trang. Bên cạnh đó, tỷ lệ người nghèo cùng cực ở khu vực đô thị đang gia tăng, đe dọa các chương trình hỗ trợ hiện nay vốn được thiết kế cho người dân vùng nông thôn.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước cần nhanh chóng tăng cường các nỗ lực chăm sóc y tế trên diện rộng để đối phó đại dịch Covid-19. Theo ông, thế giới cần phải rút ra những bài học đau đớn từ cuộc khủng hoảng này, một trong số đó là một nền y tế chưa được đầu tư có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội. Đại dịch đã khiến hơn 1 triệu người tử vong, điều đó chứng tỏ thế giới cần có hành động khẩn cấp hơn, cần có ngay sự bao phủ y tế rộng khắp.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top